Cha Gioan Lê Quang Việt: “Cần chú ý đến việc giáo dục lương tâm cho người trẻ”
Website HĐGM: Kính thưa Cha, sau Đại Hội lần thứ XIV, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra một thư chung gởi cộng đồng dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm tới (2020-2022), theo đó, Mục vụ Giới trẻ là chủ đề được chọn. Xin Cha cho chúng con biết chi tiết về định hướng này?
Cha Gioan Lê Quang Việt – Tổng Thư ký Ủy ban Giới trẻ và Thiếu nhi trực thuộc HĐGMVN: Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhìn nhận hành trình Emmaus như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Giáo hội trong tương quan với các thế hệ trẻ. Trang Kinh Thánh này diễn tả những gì mà các nghị phụ đã cảm nghiệm ở Thượng Hội Đồng lần thứ XV, và cũng là những điều Thượng Hội Đồng mong muốn các Hội Thánh địa phương thể hiện trong mối liên hệ với người trẻ.
Qua đó HĐGMVN mời gọi các thành phần Dân Chúa trở nên bạn đồng hành với người trẻ. Để trở nên bạn đồng hành với họ, Chúa Giêsu đã cùng đi với họ trên đường, hỏi han họ, kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của họ, công bố Lời Chúa cho họ, giải thích những biến cố dưới ánh sáng của Thánh Kinh, chấp nhận lời mời ngừng lại với họ khi màn đêm buông xuống,… Người bước vào đêm đen của cõi lòng người trẻ.
Người trẻ hãy đến với Giáo hội dù chưa hiểu hết ý nghĩa của những gì đã và đang xảy ra, trong đó có những người trẻ đang “tách rời nhóm và rời bỏ Giêrusalem”. Dưới ánh sáng Lời Chúa và qua các hoạt động mục vụ giới trẻ, tinh thần sẽ bừng sáng.
Khi Đức Giêsu bẻ bánh, mắt họ mở ra. Ngay lúc đó, chính họ đã chọn đi con đường ngược lại, để trở về với nhóm và chia sẻ kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh.
Website HĐGM: Các Giám mục muốn gửi gắm cho các bạn trẻ điều gì khi gợi lên hình ảnh của hai người trẻ trên đường Emmaus?
Cha Gioan Lê Quang Việt: Khi gợi lên hình ảnh của hai người trẻ trên đường Emmaus trong thư chung, các giám mục mời gọi người trẻ: Các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
Như hai người trẻ trên dường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình, nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.
Website HĐGM: Theo Cha thì việc giáo dục đức tin cho giới trẻ ngày nay cần chú ý đến khía cạnh nào nhất ạ?
Cha Gioan Lê Quang Việt: Dưới ánh sáng Lời Chúa, cần chú ý đến việc giáo dục lương tâm cho người trẻ, giáo dục những giá trị nhân bản dựa trên nhân phẩm, công ích, liên đới và bổ trợ.
Website HĐGM: Cha đã đồng hành với giới trẻ nhiều năm, và kinh nghiệm mục vụ giới trẻ của Cha cũng đã khá “dày”. Xin Cha giải thích thêm về ý nghĩa lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Người trẻ không chỉ là tương lai của thế giới. Họ đã là hiện tại của thế giới”?
Cha Gioan Lê Quang Việt: Khi nói “Người trẻ không chỉ là tương lai của thế giới. Họ đã là hiện tại của thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của người trẻ. Vì thế, khi đồng hành với người trẻ vừa phải quan tâm đến người trẻ như là đối tượng cần được chăm sóc, vừa phải xem họ là chủ thể năng động trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Người trẻ loan báo Tin Mừng cho người trẻ bằng những cách thế của người trẻ.
Thông thường thì người lớn thích làm cái gì đó cho người trẻ, ví dụ như ban cho lời dạy dỗ, chỉ bảo cho cách làm,…Với lời nói trên đây thì người lớn còn cần làm cái gì đó với người trẻ, ví dụ như cùng với người trẻ lên kế hoạch cho một chương trình, cùng nhau lắng nghe, suy nghĩ và tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó,…
Website HĐGM: Ngày 18/11/2019 vừa qua, Cha đã công bố logo Năm Giới Trẻ, xin Cha giải thích cho chúng con về logo này?
Cha Gioan Lê Quang Việt: Hành trình Emmaus (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay. Bản văn là ý tưởng nền tảng của logo, gợi ý cho nhóm Catholic Design sáng tạo và thiết kế.
– Hình tròn của logo là cách điệu hình ảnh địa cầu với Thập Giá vươn cao toả ánh sáng Phục Sinh.
– Hình người chính giữa: là hình ảnh cách điệu Chúa Giêsu Phục Sinh trong trang phục áo thụng dài với mảnh vải hình chữ S vắt qua vai. Mảnh vải vừa thể hiện rõ nét và làm sống động hình ảnh Chúa Phục Sinh; vừa vẽ nên hình ảnh con đường khúc khuỷu – đường Emmaus mà Ngài đang bước đi cùng hai môn đệ. Nén trong dải vải lụa cách điệu hình chữ S, đó còn là biểu tượng đặc trưng mang bản sắc dân tộc Việt, thể hiện khao khát cách riêng của người trẻ Việt Nam.
– Hình người hai bên phải trái: tượng trưng cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Cánh tay vươn lên cao như cách thể hiện sự vui mừng, hoan hỷ của hai môn đệ vì được Chúa Giêsu nắm giữ và đồng hành với họ trên đường Emmaus. Nó cũng diễn tả sự vươn lên và trưởng thành về Đức tin của hai môn đệ sau khi được gặp gỡ Chúa.
– Màu sắc của logo được sử dụng dựa trên 5 màu chủ đạo mang màu sắc trẻ trung, tươi vui, diễn tả ý nghĩa niềm hy vọng của mầu nhiệm Phục Sinh.
+ Sắc Cam của lửa – biểu tượng nguồn ơn Chúa Thánh Thần, của nhiệt huyết, được chọn tô cho hình ảnh Chúa Giêsu, như muốn tập trung nguồn ơn sức mạnh mà người trẻ cần tìm kiếm cho cuộc đời mình chính là Chúa Giêsu.
+ Sắc Xanh Dương diễn tả sắc xanh của hy vọng, sự mong chờ niềm vui của ơn cứu độ.
+ Sắc Xanh Lá mang sức sống tinh thần của người trẻ, màu sắc của sự tươi mát và tinh thần sống xanh nhắc nhớ người trẻ trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung.
+ Sự hoà quyện của 3 sắc màu trên hướng tới Thánh Giá màu Đỏ – biểu tượng của tình yêu, nhắc nhớ về sự hy sinh của Chúa trên Thập Giá, về Bí tích Tình Yêu và con đường Trắng diễn tả sự Phục Sinh – con đường hướng người trẻ về quê trời trong hân hoan và vững tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu.
Website HĐGM: Thưa Cha, Đức Cha Chủ tịch UBMVGT có đưa ra Chương trình mục vụ Giới Trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giêsu. Xin Cha cho chúng con biết thêm chi tiết về chương trình này ạ?
Cha Gioan Lê Quang Việt: Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đưa ra “Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giêsu”.
Hình ảnh hay tước hiệu rất phổ biến trong đời sống con người, giúp con người tiếp cận các thực tại cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, con người có thể lĩnh hội và có được những hiểu biết nhất định về thực tại, đồng thời, có thể chia sẻ và thông truyền thực tại mà mình đã lĩnh hội và hiểu biết cho người khác. Thực tại luôn phong phú và sâu nhiệm hơn những diễn tả, giải thích hay tổng hợp về nó. Thực tại càng tinh túy, sâu nhiệm, thì con người càng phải dùng nhiều hình ảnh hay tước hiệu mới có thể tiếp cận và nhận thức được.
Đức Thánh Cha có nói trong Christus Vivit, số 86: “Cách tiếp cận thực tế có khuynh hướng chú trọng đến nhìn hơn là nghe và đọc sẽ ảnh hưởng đến cách học hỏi cũng như đến sự phát triển của óc phê phán”.
Từ những gợi ý qua bài viết mỗi tháng về hình ảnh hay tước hiệu, với kỹ thuật số trong tay người trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo để thể hiện hình ảnh hay tước hiệu qua các hình thức đa dạng hơn của visual communication như video clip, intergram, infographic,…
Website HĐGM: Chúng con xin cám ơn Cha nhiều. Xin Chúa chúc phúc lành đặc biệt cho Chương trình mục vụ Giới Trẻ.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN