Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 20.03.2020
Tính đến sáng 20.03.2020, thống kê của Đại Học Y Khoa John Hopkins Hoa Kỳ cho thấy con số tử vong do coronavirus tại Ý đã vượt qua cả Trung Quốc với trên 3400 nạn nhân. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà Ý đã có 427 người qua đời vì Covid-19. Điều này khiến nhiều người càng thêm hoang mang sợ hãi. Nỗi sợ hãi lớn đến nỗi hầu như ít có ai để ý đến bầu trời trong xanh tràn ngập nắng vàng ấm áp của ngày đầu tiên trong khoảnh khắc giao mùa của thành phố Rôma, Kinh Thành Muôn Thuở. Mùa xuân mang theo không khí ấm áp và trong lành. Tiếc thay ở đây mấy ai còn tâm trạng để cảm nghiệm tiết trời tươi mới ấy vì cả nước Ý đang tự cách ly, ai nấy hạn chế ra ngoài và tránh tiếp xúc với người khác.
Đã hơn 10 ngày qua, như hầu hết các chủng viện và cộng đoàn dòng tu khác, cộng đoàn Thánh Albertô Dòng Cát Minh tại Rôma cũng đã cửa đóng then cài tự nguyện cách ly với thế giới bên ngoài nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ban đầu, “cách ly” khiến tôi có cảm giác tù túng ngột ngạt như thể bản thân đang bị quản chế tại gia. Sinh hoạt hàng ngày bỗng chốc bị xáo trộn. Điều khiến cho tôi khó chịu nhất là vì không ai biết khi nào thì việc “quản chế” này mới chấm dứt. Nhưng sau nhiều ngày chiến đấu với cảm xúc, tôi mới nghiệm ra “đây là lúc thuận tiện! Đây là ngày cứu độ!” (2 Cr 6: 2).
Không phải ra ngoài, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc, để nghiền ngẫm và để viết. Không phải bận tâm nhiều đến trường lớp bài vở, tôi có nhiều cơ hội để cầu nguyện, để suy niệm và nhất là để tìm đến bên Chúa trong thinh lặng và cô tịch. Thời gian “cách ly” nhờ đó mà trở nên quý hóa trong đời sống thiêng liêng của tôi. Nhờ bầu khí linh thiêng của giờ Chầu Thánh Thể chung với anh em, tôi có cơ hội để cảm nghiệm điều mà các Thánh Dòng Cát Minh, cách riêng Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã xác tín hàng trăm năm qua: Thiên Chúa không ở đâu xa, Ngài đang ở đây, ở ngay trong lòng chúng ta. Chúng ta không cần phải tìm kiếm Ngài đâu đó ngoài kia, mà hãy quay về với chính mình để gặp Ngài. [1]
Tối hôm 19.03, nhân ngày lễ kính Thánh Giuse, nhờ lần chuỗi Mân Côi hiệp thông cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể giáo hội Ý cầu nguyện cho nạn dịch sớm chấm dứt, tôi mới biết thế nào là bình an trong Chúa. Thứ bình an mà Đức Giêsu Phục Sinh đã ban cho các Tông Đồ để giúp các ngài thoát khỏi hoảng loạn, hoài nghi và tuyệt vọng. “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, [bình an] Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Đây là bình an đích thực. Bình an vì có Chúa hiện diện. Chúa vẫn luôn hiện diện giữa Hội Thánh Ngài như khi xưa Người hiện diện giữa cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Mặc cho bệnh dịch và khó khăn, bình an Chúa luôn chiếm ngự tâm hồn những con người biết “đồng tâm nhất trí, hiệp thông với nhau, chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (x. Cv 2, 42-46). Tôi được ơn cảm nghiệm như vậy một phần là vì suốt 2 tuần qua, trong các Thánh Lễ hàng ngày, tôi vẫn còn lúng túng và bận tâm với việc tạm đình chỉ hành vi chúc bình an cho nhau. Cảm giác khó chịu vì thiếu đi một cử chỉ biểu tượng bên ngoài đã mời gọi tôi dấn thân vào hành trình tìm kiếm bình an đích thực bên trong tâm hồn. Cảm xúc tự nhiên của con người cũng đã giúp tôi trở nên đồng cảm hơn với hàng triệu tín hữu khác những người bị ngăn trở khỏi việc tham dự Thánh Lễ và rước Chúa hàng ngày chỉ vì dịch bệnh Covid-19 còn đang hoành hành đánh phá.
Tôi sẽ nghe theo lời khuyên của Đức Thánh Cha, biến những ngày này thành cơ hội củng cố tình thân trong gia đình, trong cộng đoàn. [2] Nếu như mến Chúa và yêu người không thể tách lìa (x. 1Ga, 21) thì thời gian cách ly khỏi thế giới ồn ào bên ngoài chính là thời khắc giúp ta đạt được cả hai: Trở nên gần gũi với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân hơn. Tôi tự nhủ lòng hãy tin tưởng vào Chúa và không cho phép dịch bệnh tấn công vào đức tin của mình. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để nhận ra “Đây là lúc thuận tiện! Đây là ngày cứu rỗi!” (2 Cr 6: 2).
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
[1] Xem tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm của Têrêsa Avila & Chương 1 của Khúc Linh Ca của Gioan Thánh Giá. [2] Bài Giảng của ĐTC trong thánh Lễ tại Nhà Nguyện Thánh Matta sáng 16.03.2020.