TOÀ GIÁM MỤC PHAN THIẾT
422 Trần Hưng Đạo Tp. Phan Thiết, Bình Thuận ( (84) 252 381 9560 E.mail : tgm_phanthiet@yahoo.com |
THƯ MỤC VỤ TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH NĂM 2020
Kính gởi: Quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ,
và quý ông bà anh chị em trong đại gia đình Giáo phận Phan Thiết.
Anh chị em thân mến,
1. Chúng ta cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay (năm 2020) “một cách âm thầm” trong lúc nạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid – 19 đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Tuy không thể họp mặt với nhau như mọi năm để cử hành các Nghi thức Thánh, chúng ta vẫn có thể hiệp thông trong đức tin, trong tình liên đới và trong lời cầu nguyện.
Với tâm lý tự nhiên, chúng ta cảm thấy rất buồn. Tôi nhớ đến một bài viết trên website của Đài Vatican News, bài viết của linh mục Gia An, Dòng Tên, và đã được đăng lại trên website của Giáo phận Phan Thiết. Bài viết có tựa đề: “Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch?” Và ý chính của câu trả lời: “ở đây không phải là không cử hành Thánh Lễ mà là Thánh Lễ được cử hành theo một cách khác.”
2. Chính trong âm thầm, chúng ta không cử hành tất cả những nghi thức bên ngoài. Tuy nhiên, trong Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm sâu xa hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa đã hy sinh trên thập giá để cứu độ, để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Tình yêu thương này Thiên Chúa muốn trao ban cho mọi người, không loại trừ ai. Trong nạn đại dịch Covid -19 này, mọi thành phần nhân loại: chính quyền, tôn giáo, bác sĩ, y tá, công nhân, trí thức, công ty, xí nghiệp, quân đội … hết thảy mọi người cùng liên đới, hợp tác để đối phó với một chủng loại virút rất nguy hiểm đang tấn công sự sống tự nhiên của con người. Trong bối cảnh liên đới này, chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa từ trời cao, nhập thể. Ngài đã đến liên đới, chia sẻ với con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, để trả lại cho con người sự sống vĩnh cửu.
Hiện nay, có biết bao “con rắn lửa”, có biết bao “loại virút hiện đại” đang hủy hoại tâm hồn, hủy hoại sự sống siêu nhiên của con người. Giống như năm xưa trong sa mạc, khi dân Do Thái bị rắn cắn, “Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21,9); trong Tuần Thánh năm nay, chúng ta hãy ngước nhìn Thánh Giá Chúa Giêsu. Nơi gia đình nào của anh chị em cũng có Thánh Giá. Có người đeo Thánh Giá trên mình. Đơn giản anh chị em hãy nhìn lên Thánh Giá với một lời cầu nguyện đầy tin yêu: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” Nhìn lên Thánh Giá nhiều lần trong ngày với lời cầu nguyện tắt như trên là một cách thức chúng ta cử hành Tuần Thánh, cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu một cách “riêng tư và âm thầm”.
3. Cách riêng đối với các bạn trẻ, ngày Chúa nhật Lễ Lá năm nay là Ngày Giới trẻ Thế giới 2020, được cử hành ở cấp Giáo phận trên toàn thế giới với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Đức Thánh Cha đã mời gọi các bạn trẻ suy nghĩ năm hành động của Chúa Giêsu khi vào thành Na-im ở Galilê. Ngài tình cờ gặp một đám tang đang đưa một anh thanh niên đi chôn. Anh là con trai duy nhất của một bà mẹ góa (x. Lc 7,11-15). Thứ nhất, Chúa Giêsu “thấy“ bà mẹ đau đớn đem con đi chôn. Thứ hai, Ngài “đã chạnh lòng thương“. Thứ ba, Chúa đến gần. Thứ tư Chúa chạm vào quan tài. Thứ năm, Chúa nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” Đức Thánh cha đã gợi ý: “Có thể các con luôn nghe thấy tiếng rên rỉ của những người đau khổ; hãy để bản thân mình bị lay động bởi những người khóc và chết trong thế giới ngày nay… Hãy để vết thương của họ trở thành của các con, và các con sẽ là người mang hy vọng vào thế giới này.” (Sứ điệp Giới trẻ 2020, số 15)
Các bạn trẻ thân mến,
Đại dịch Covid -19 đang gây ra đau khổ và sự chết, các con cảm nhận sự hiện diện của Chúa như thế nào, để cùng với Ngài có những lời nói và hành động cụ thể cho những người chung quanh ?
4. Anh chị em thân mến,
Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ cái chết với con người. Đối diện với cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu đã vô cùng lo sợ đến nỗi “mồ hôi máu chảy ra”, đã nhiều lần ngã xuống và trong giây phút cuối cùng trên thập giá, đã thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con” (Mc 15, 34). Nhưng rồi lòng tin vào Chúa Cha đã vượt thắng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Cũng thế, người trộm lành, khi đối diện với những đau khổ trên thập giá, đã tìm được niềm hy vọng khi hướng đến Chúa Giêsu: “Lạy Ngài Giêsu, khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42). Và anh đã nhận được lời hứa đầy an ủi của Chúa Giêsu trong cảnh đau thương này: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Là những con người còn nhiều lỗi lầm và thiếu sót, trong lúc chịu đau khổ của nạn dịch này, chúng ta tin tưởng hướng lên Chúa Giêsu để có sự bình an và hy vọng.
5. Cùng với niềm tín thác vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là tình yêu liên đới với tất cả anh chị em chung quanh. Trong bóng tối của sự chết do nạn dịch gây ra, Giáo Hội cùng với mọi thành phần trên thế giới nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền. Tất cả đều mong manh, nhưng được kêu gọi cùng chèo với nhau. Và quan trọng là có Chúa Giêsu đang ở với chúng ta, đang chia sẻ tất cả những lo sợ, khó khăn đau khổ của chúng ta. Chúng ta hãy kết hợp những đau khổ của chúng ta với cuộc thương khó của Chúa Giêsu, với xác tín rằng : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).
Thực vậy, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và đã sống lại. Cùng với sự đồng hành đầy an ủi của Đức Mẹ Tàpao, xin Tin Mừng Chúa Phục Sinh mang lại bình an, hy vọng và yêu thương cho mọi người chúng ta.
Chung niềm hy vọng của toàn thể Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng : “Chúa đã sống lại. Alleluia ! Alleluia !“
Tòa Giám mục Phan Thiết, ngày 03 tháng 04 năm 2020
(đã ấn ký)
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết