Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Chia Sẻ / Kitô hữu và vấn đề tiền bạc

Kitô hữu và vấn đề tiền bạc

Ai cũng biết rằng trong đời sống thường ngày của chúng ta, tiền bạc là một phương tiện không thể thiếu được, vì nhờ nó mà ta có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Chẳng hạn: Tiền mua gạo, tiền mua lương thực thực phẩm, tiền mua thuốc men chữa bệnh, tiền mua sắm quần áo, đồ dùng cần thiết, tiền để có phương tiện đi lại giao lưu, gặp gỡ, thăm viếng người thân, bạn bè, tiền để tổ chức cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng lễ mừng sinh nhật vv… Tắt một lời, tiền không phải là tất cả, nhưng hầu như tất cả mọi việc thì rất cần tiền!

Người ta kể rằng khi về hưu, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có một bài viết tựa đề Hiểu đời, là một tâm sự tuổi già, nói về sức khỏe, về tiền bạc, về cuộc sống… Dưới đây là đoạn trích về tiền trong bài viết của ông:

“Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn.

“Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó”.

Ngày nay, người ta truyền tai nhau “bài vè” rất châm biếm về tiền bạc, như sau:

Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cái cân của công lý.

Ông bà ta ngày xưa còn nói mạnh thế này: “Có tiền mua tiên cũng được. Nói như thế để thấy rằng dường như tiền bạc có một sức mạnh vạn năng. Vì thế mới có câu: “Mạnh vì gạo/ bạo vì tiền” hay câu khác: “Miệng nhà giàu có gang có thép”.

Tiền mạnh như thế nhưng trước sau như một, tiền chỉ đáng là một tên đầy tớ tốt mà thôi. Nếu tiền làm chủ ta, thống trị đời ta thì hiển nhiên là biết bao bi kịch sẽ xảy ra: vợ chồng ly dị, con cái bất hiếu với cha mẹ, anh em ruột thịt chém giết nhau… là những bi kịch thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.

Riêng đối với người Ki-tô hữu, tiền bạc cũng rất cần như bao người khác, nhưng chúng ta sống theo tinh thần của Tin Mừng, nên sẽ có sự chọn lựa khác cho riêng mình. Đó là không ham mê tiền bạc, không tôn thờ tiền bạc và biết khôn ngoan trong sử dụng tiền bạc.

Ki-tô hữu và lý do không ham mê tiền bạc

Thông thường con người tìm mọi cách để có tiền vì cần tiền để tiêu xài, nhưng sau đó thì bị đồng tiền thu hút và họ rơi vào vòng xoáy của cơn mê tiền bạc. Đúng như người xưa thường nói “Đồng tiền liền khúc ruột”. Nghĩa là đối với người ta tiền bạc trở nên người bạn thiết thân không thể nào rời bỏ được. Nó được xem là da thịt của mình, là máu mủ ruột rà của mình, là sự sống của mình…

Kinh nghiệm cho thấy, ham mê tiền bạc là một cám dỗ không trừ một ai. Càng có quyền hành, càng có địa vị, càng có chức tước càng dễ bị lôi kéo vào cơn mê tiền bạc. Đó chẳng những là một tính xấu nguy hiểm mà còn là một nguy cơ khiến ta sống ngược lại với Tin Mừng của Chúa.

ĐGM GB Bùi Tuần đã chia sẻ về vấn đề này, như sau: [1]

“Cần tiền là chuyện không tránh được, nhưng mê tiền là tính xấu, đầy nguy hiểm.

Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên cứng cỏi, thiếu bác ái với người nghèo, giống như người giàu có trong Phúc Âm đã xử tệ với người hành khất tên La-da-rô (x. Lc 16, 19-31).

Nguy hiểm vì nó dễ xúi con người phạm những tội bất công hại người, tương tự như trường hợp Giu-đa bán Chúa (x. Mt 26, 15).

Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên loại Pha-ri-sêu giả hình tỏ vẻ đạo đức, ‘kinh kệ dài dòng, nhưng lại nuốt trôi gia tài những bà góa’ (x. Mt 23, 14).

Nguy hiểm vì nó dễ làm ta coi thường những sự thánh, giống như những người đổi chác tiền bạc mà Chúa đã đuổi ra khỏi đền thờ (x. Mt 21, 12-16).

Nguy hiểm, vì nó cũng dễ đẩy ta vào số phận chết không kịp chuẩn bị, như người phú hộ nọ trong Phúc Âm đang lúc mải miết tính toán tiền bạc, thì thần chết ập tới lôi đi (x. Lc 12, 16-21).

“Trong một thế giới mà ảnh hưởng của đồng tiền bao trùm quá rộng từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đến cả luân lý, đạo đức, thì những lời cảnh cáo của Chúa sẽ bị coi như lạc lõng. Chúa biết, nhưng Người đã nói: ‘Dù trời đất qua đi, Lời Ta sẽ không qua đi bao giờ’ “ (Lc 21, 23).

ĐTC Phan-xi-cô, trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 18-10-2018 tại nhà nguyện thánh Marta, đã nhắc đến ba cách thức sống nghèo trong đời sống của người Ki-tô hữu, trong đó ngài nhấn mạnh là người môn đệ phải sống nghèo với con tim không dính bén với giàu sang.

Ngài giải thích: Cách thức sống nghèo đầu tiên của người môn đệ là không dính bén với tiền bạc và sự giàu có. Đó là điều kiện để bắt đầu hành trình của người môn đệ. Nó bao hàm một “con tim khó nghèo”, đến nỗi nếu trong việc tông đồ, cần những tổ chức và cơ cấu mà dường như cho thấy sự giàu có, hãy sử dụng chúng thật tốt – nhưng đừng dính bén.

Thực thế, người thanh niên giàu có trong Tin Mừng đã làm Chúa Giêsu cảm động nhưng anh không thể theo Người bởi con tim anh dính bén với của cải. Nếu ai muốn theo Chúa Giêsu, hãy chọn con đường nghèo khó và nếu giàu có thì đó là bởi Thiên Chúa đã ban nó để phục vụ người khác, nhưng con tim thì đừng dính bén. Người môn đệ không sợ nghèo khó, mà ngược lại, người ấy cần phải sống nghèo. [2]

Chúng ta nhớ lại Lời Chúa phán: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).

Ki-tô hữu và lý do không tôn thờ tiền bạc

Nhiều người có nhiều tiền nhưng họ làm chủ nó và sử dụng nó vào những việc đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trái lại, có rất nhiều người khác có tiền, quý tiền, mê tiền và tôn thờ tiền bạc như thần tượng của mình. Thay vì họ làm chủ tiền bạc thì đàng này, tiền lại sai khiến và khống chế họ.

Là Ki-tô hữu, chúng ta phải luôn cảnh giác trước nguy cơ rơi vào cái não trạng coi tiền là tất cả, là thần-tài, là vua, là chúa mà mình phải thờ.

“Chúng ta đều biết rằng trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khuyến cáo và kêu gọi thật mạnh mẽ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (Lc 16, 13)Chúa không cấm chúng ta làm ra tiền, Chúa cũng không cấm chúng ta để dành tiền của trong ngân hàng, mà Chúa nhắc nhở Ki-tô hữu luôn chú ý không được trở nên nô lệ của tiền bạc, không để mình trở thành kẻ làm tôi của thần Mammon.

“Tiền bạc và của cải là phương tiện chứ không là ông chủ. Đó là vị trí đúng đắn nhất của nó. Thật buồn cho Ki-tô hữu nào thay đổi vị trí đúng đắn của tiền bạc, nghĩa là đặt tiền bạc của cải vật chất thành trung tâm điểm của cuộc sống, thành ông chủ của chính họ”. [3]

Thánh Phao-lô cũng quan tâm nhắc bảo chúng ta về vấn đề tiền bạc. Ngài viết trong thư gửi cho Ti-mô-thê, như sau: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác, là lòng tham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6, 10).

Ngạn ngữ Pháp có câu “Tiền bạc là tên đầy tớ trung thành nhưng lại là ông chủ gian ác”. Điều đó có nghĩa là nếu ta để cho tiền bạc làm chủ mình thì nó sẽ chỉ huy cả con người và cuộc sống mình theo ý hướng xấu của nó. Kinh nghiệm đời người cho thấy chữ “tiền” thì luôn đi đôi với “bạc”, tức là bạc tình, bạc nghĩa, bạc phúc, bạc ơn. Có thể nói, hơn phân nửa những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra hàng ngày đều xuất phát từ tiền bạc.

Thực vậy, tiền bạc gây cho người ta đau khổ nhiều hơn là đem lại cho họ hạnh phúc. Một danh nhân đã khẳng định thế này: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu”. (Benjamin Franklin)

Có một câu chuyện thế này. Cách đây nhiều năm, một nguyệt san xuất bản tại Luân Đôn có yêu cầu độc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết độc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được thưởng. Tòa soạn đã nhận được cả ngàn câu định nghĩa và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất.

Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, trừ lên trời là không được, với nó chúng ta có thể mua được mọi sự, trừ hạnh phúc.

Thánh Giacôbê đã nói về số phận người giàu có thế này: “Quả thế, mặt trời mọc lên tỏa ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc làm của họ” (Gc 1, 11).

Ngài viết tiếp: “Giờ đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận, mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi…” (Gc 5, 1–4).

Ki-tô hữu và việc sử dụng tiền bạc

Mọi người bất kể là ai đều có bổn phận làm việc để kiếm tiền nuôi thân và gia đình, tất nhiên họ có quyền giữ tiền và có quyền tiêu tiền. Đó là việc thường tình trong đời sống con người. Vấn đề quan trọng đặt ra cho mỗi chúng ta, đó là nguồn gốc tiền bạc mà chúng ta có và cách mà ta sử dụng nó như thế nào.

Trước hết, Chúa Giê-su cảnh giác chúng ta về lòng tham. Vì lòng tham thì vô đáy. Không phải người nghèo mà không tham. Cũng không phải người giàu có là hết tham. Mọi người đều có lòng tham. Người tham ít, người tham nhiều. Người tham cách này, người tham cách khác. Trong Tin Mừng Lu-ca, Chúa đã nhắc nhở thế này: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).

Chúng ta biết, tham lam là một trong bảy mối tội đầu. Do lòng tham nên ta có thể kiếm tiền một cách bất chính. Vì tham nên ta có thể ăn gian, nói dối trong kinh doanh buôn bán. Vì tham nên ta có thể lường gạt bằng mọi thủ đoạn để cái túi của mình đầy tiền. Vì tham nên ta có thể vi phạm đức công bằng và bác ái một cách nặng nề. Vì tham nên ta có thể hy sinh tất cả để bảo toàn quyền lợi bất chính của mình.

Người tham lam lại thường là người hà tiện nữa. Hà tiện chứ không phải là tiết kiệm. Hà tiện cũng hiểu theo nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn, bần tiện. Vì hà tiện nên ta không dám chi tiêu để giúp đỡ tha nhân hay làm việc công ích. Vì hà tiện nên ta chỉ muốn thu tích cho đầy túi mà không biết cho đi, ban phát. Vì hà tiện mà ta làm ngơ không ngó ngàng gì tới cảnh khó nghèo, túng thiếu của người lân cận.

Trong Tin Mừng, Chúa đã nhắc bảo: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20). Đối với Chúa, chúng ta có nhiều của cải hay có ít, điều đó không quan trọng. Vấn đề chính yếu là chúng ta không tôn thờ tiền bạc, không tham lam thu tích cho mình nhiều của cải, không kiếm tiền của cách bất chính, không hà tiện chắt bóp thái quá…Bởi như thế thì chúng ta khó lòng mà sống thanh thoát để tìm kiếm sự công chính trên trời.

Đối với Ki-tô hữu, Chúa luôn khuyến khích chúng ta biết ăn ở rộng rãi, sống quảng đại và sẵn sàng chia sẻ tiền của vật chất cho người anh em thiếu thốn. Vì chúng ta tâm niệm rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Thánh Phao-lô đã giảng giải rất rõ thế này: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép : kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2Cr 8, 13 – 15).

Lời Chúa còn đây: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi  trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12, 33-34) ./.

Aug. Trần Cao Khải

Nguon: https://hdgmvietnam.com

__________________

[1] ĐGM GB Bùi Tuần – Nói với chính mình – NXB VH-VN năm 2015 – Trang 74

[2] vaticannews.va

[3] dongten.net

Check Also

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI Giuse Phạm Đình Ngọc SJ WHĐ (07.9.2021) – …