Cái chết của Hans Küng là dịp để suy ngẫm về quan điểm bất đồng chính kiến của linh mục này đã lây nhiễm trên Giáo hội như thế nào: những tác động nguy hiểm ấy giờ đây có thể thấy được nơi “Con đường Công nghị” của Đức.
Cái chết của nhà thần học bất đồng chính kiến Hans Küng – cũng là linh mục người Thụy Sĩ qua đời vào ngày 6-4-2021 ở tuổi 93 – đã gây ra những phản ứng dữ dội từ khắp nơi trên thế giới. Phản ứng tức thời của nhiều người, đó là cầu nguyện cho linh hồn của một linh mục đã đi lạc khỏi những giáo huấn đích thực của Giáo hội trong nhiều thập kỷ kể từ Công đồng Vatican II. Phản ứng thứ hai là buồn bã suy nghĩ về các bài viết và quan điểm của cha như một loại virus trong Giáo hội đã lan truyền như thế nào, khiến cho nhiều người đồng hành với cha phải rơi vào con đường lầm lạc và bất đồng chính kiến với Giáo hội.
Đáng tiếc là những tác động nguy hiểm ấy đã có thể thấy được khá rõ ràng trong cái gọi là “Con đường Công nghị” đang diễn ra hiện nay ở Đức.
Cha Küng là một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất trong 100 năm qua, và cha đã vun trồng vị thế nổi tiếng trước công chúng bằng cách lên tiếng phản đối một loạt các giáo huấn của Giáo hội, bao gồm những giáo huấn về các chủ đề: giáo hoàng không sai lầm, an tử, phá thai, tránh thai, phong chức phụ nữ, thẩm quyền của giám mục, đời sống độc thân của linh mục, hành vi đồng tính luyến ái, và thậm chí ‘liệu có cần một linh mục để cử hành Thánh lễ cách hợp lệ hay không’. Các nhóm truyền thông Công giáo thế tục và cấp tiến đã quảng bá các sách của cha, mang lại cho cha nhiều thời lượng phát sóng và hoan nghênh những lời chỉ trích thường xuyên của cha đối với Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh cha Bênêđictô XVI.
Cha Küng đã thực sự bị Bộ Giáo lý Đức tin khiển trách vào năm 1979. Bộ đã nhận thấy rằng, trong các tác phẩm của cha, cha đã “rời xa chân lý toàn vẹn của đức tin Công giáo, và do đó cha không còn có thể được coi là một nhà thần học Công giáo, không giảng dạy như một thần học gia Công giáo.” Thế mà, cha lại vẫn được coi như một anh hùng đối với nhiều thế hệ thần học gia, những người đã coi cha là người báo trước một cuộc cách mạng thần học mới trong Giáo hội.
Cuộc cách mạng đó có thể xảy ra với chúng ta dưới hình thức ‘Con đường Công nghị’ của Giáo Hội Đức.
Viện lý do là để đáp ứng lại các vụ bê bối lạm dụng tình dục và cuộc khủng hoảng suy giảm số lượng tín hữu Công giáo, các giám mục Đức đã tuyên bố vào năm 2019 rằng họ sẽ tập hợp hơn 200 thành viên của Hội đồng Giám mục Đức, các nhà lãnh đạo của một nhóm giáo dân cấp tiến được gọi là ‘Ủy ban trung ương của người Công giáo Đức’, và các nhóm giới trẻ khác nhau, cùng với các văn phòng của Giáo hội, để tiến hành cải cách và đổi mới. Các nhà tổ chức này đã nhanh chóng công bố một chương trình nghị sự bao gồm một danh sách những điều mong ước độc hại – tương tự những gì đã được cha Küng cùng một số người khác thúc đẩy trong nhiều thập kỷ.
Con đường Công nghị sẽ đưa các giáo huấn của Giáo hội ra để bầu theo đa số phiếu, và những người lãnh đạo ‘Con đường Công nghị’ sẽ không chấp nhận cái mà họ gọi là “ngăn chặn đối thoại”. Và nhân danh “các tiêu chuẩn của một xã hội dân chủ”, họ đòi buộc “các khuyến nghị và quyết định được đa số thông qua cũng phải được ủng hộ bởi những người bỏ phiếu khác với họ”.
Tòa Thánh đã cố gắng ngăn cản và thậm chí chỉnh sửa ‘Con đường Công nghị’ ngay từ đầu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài cho Giáo hội ở Đức vào tháng 6 năm 2019, cảnh báo rằng con đường này sẽ kết thúc bằng việc “nhân rộng và nuôi dưỡng những tệ nạn mà chính ‘Con đường Công nghị’ muốn khắc phuc”, đồng thời kêu gọi các giám mục tập trung vào việc truyền giáo. Đó là một lời kêu gọi khôn ngoan nhạy bén, vì dân số Công giáo ở Đức dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2060. Chỉ riêng trong năm 2019, tổng cộng 272.771 người Công giáo Đức đã chính thức rời bỏ Giáo hội.
Các văn phòng của Vatican kể từ đó đã cân nhắc, tuyên bố rằng các kế hoạch của ‘Con đường Công nghị’ không “có giá trị về mặt giáo hội học” và toàn bộ tiến trình không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Mới tháng trước, Bộ Giáo lý Đức tin, với sự chấp thuận của ĐTC Phanxicô, đã nhắc lại rằng: Giáo hội cấm ban phép lành cho các mối quan hệ đồng tính, là điều đã xảy ra ở một số giáo xứ Đức và là một chủ đề nhất định sẽ được ‘Con đường Công nghị’ đưa ra để bỏ phiếu.
Đa số các giám mục Đức từ chối lắng nghe lời khuyên quay lưng lại với hành trình có nguy cơ dẫn đến ly giáo này. Trước tình trạng khó khăn ấy, giờ là lúc Tòa Thánh cần phải hành động mạnh mẽ và rõ ràng hơn, trước khi Con đường Công nghị áp đặt trên Công giáo một niềm tin sai lạc mà các giám mục Đức lại tín thác, và trình cho ĐTC Phanxicô một tối hậu thư để thay đổi giáo huấn không thể thay đổi của Giáo hội. Phải ngăn chặn trước khi sự lây nhiễm này lan ra các nơi khác trong Giáo hội.
Vào những năm 1970, Vatican đã khuyên nhủ cha Hans Küng và yêu cầu cha làm cho quan điểm riêng của mình hòa hợp với huấn quyền đích thực của Giáo hội. Cuối cùng, cha đã từ chối, cho dù bị khiển trách. Cho đến cuối đời, cha vẫn là một tiếng nói bất đồng công khai.
Hồng y Walter Kasper, một trong những học trò cũ của cha Küng – không hẳn là một người bảo thủ – đã than thở với tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican sau khi cha Küng qua đời rằng “cha Küng là người muốn cổ võ việc đổi mới Giáo hội và thực hiện cuộc cải cách Giáo hội… Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, cha ấy đã đi quá xa – vượt ra khỏi sự chính thống của Công giáo – và do đó đã không gắn với một nền thần học dựa trên giáo lý của Giáo hội, nhưng đã ‘phát minh’ ra thần học của riêng mình.” ‘Con đường Công nghị’ Đức rõ ràng là đã kế thừa di sản thần học độc hại đó.
Dưới chiêu bài cải cách, ‘Con đường Công nghị’ đang trên con đường ly giáo, và những nguy hiểm là có thật đối với toàn thể Giáo hội. Giống như Martin Luther vào năm 1517, đã đóng đinh “95 luận đề” của mình trước cửa nhà thờ ở Wittenberg, các giám mục Đức cùng với các cộng sự viên giáo dân Công giáo cấp tiến của họ đã lên kế hoạch gửi chương trình của họ ra khắp thế giới để lây nhiễm trên các vùng miền và các giáo phận khác. Và họ có số tiền khổng lồ để làm điều đó, nhờ vào Kirchensteuer quốc gia, hay hệ thống thuế nhà thờ, mang lại hàng tỷ đồng tiền thuế cho các giáo phận Đức mỗi năm.
Những sự kiện tương tự như thế xảy ra vào thế kỷ 16, đã trở thành cuộc nổi dậy của người Tin Lành. Trong thời đại đó, Tòa Thánh đã chậm trễ khi phản ứng và giải quyết cuộc khủng hoảng của Luther cũng như đã trì hoãn phong trào cải cách và đổi mới đích thực, để rồi đã không ngăn cản được thảm họa cho toàn thể Kitô giáo. (Bây giờ cũng thế,) chỉ còn rất ít thời gian để hành động thôi, nếu không nhanh chóng, những người Công giáo trong thế kỷ 21 sẽ có thể chứng kiến một thảm họa tương tự xảy ra.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn của cha Hans Küng, cho những người theo Con đường Công nghị và cho Giáo hội ở Đức, để họ không bị khuất phục trước loại virus thần học mới nhất này. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Nguồn: https://www.tgpsaigon.net/