Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Chia Sẻ / Ý NGHĨA CỦA ĐÁ TRONG NGHỆ THUẬT KITÔ GIÁO

Ý NGHĨA CỦA ĐÁ TRONG NGHỆ THUẬT KITÔ GIÁO

Ý NGHĨA CỦA ĐÁ TRONG NGHỆ THUẬT KITÔ GIÁO

Tác giả: Daniel Esparza
Chuyển ngữ: Hoàng Phú
Theo: aleteia.org (16.10.2019)

WGPBC (28.6.2021) – Trong chương 16 của Tin Mừng theo thánh Matthêu, chúng ta tìm thấy một đoạn văn, thường được gọi là: “Lời tuyên tín của thánh Phêrô”. Trích đoạn Tin Mừng từ câu 13-20 viết như sau:

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

Trong đoạn văn này, rõ ràng Chúa Giêsu không nói mình là đá tảng nhưng nói tới Phêrô. Trong tiếng Aram, một trong những ngôn ngữ mà Chúa Giêsu sử dụng, từ để chỉ về đá là “Kepa”. Khi chuyển tự sang tiếng Hy Lạp, các bản văn Tân Ước dùng là “Cephas” (như được thấy nhiều trong các thư của thánh Phaolô: Gl 2,7-14; 1Cr 1,11-13; 1Cr 3,21; 1Cr 9,5 và 1Cr 15,5). Nhưng cũng được dịch sang tiếng Hy Lạp là “Petros”, từ đây chúng ta có được tên gọi Phêrô. Theo nghĩa này, Phêrô thực sự là tảng đá trên đó Giáo hội được thiết lập. Ngài là vị đại diện Chúa Kitô, một nhiệm vụ được truyền lại cho các Đức giáo hoàng kể từ khi thánh Phêrô được đặt làm Giám mục Rôma.

Tuy nhiên, khi nhắc đến đá trong nghệ thuật Kitô giáo, điều này không nhất thiết ám chỉ đến thánh Phêrô mà còn về chính Chúa Giêsu.

Thần học Kitô giáo nhận thấy trong đoạn văn của sách Dân số một hình ảnh tiên trưng về dòng nước tuôn trào từ cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Ngài bị đâm thâu trên Thánh giá: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Bản văn sách Dân số viết:

Ông Môsê cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa, như Người đã truyền cho ông. Ông Môsê và ông Aharon triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Môsê nói với họ: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” Ông Môsê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống (Ds 20,9-11).

Vì thế, Đức Giêsu thường được gọi là tảng đá mà từ đó dòng nước cứu độ tuôn trào, nhưng thực tế, đá cũng là biểu tượng của sự vững chắc, sự chở che, lòng trung tín và nơi trú ẩn. Hình ảnh này khá rõ ràng nơi Thánh vịnh 18: “Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn”, cũng như trong Tin Mừng Matthêu: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24-25).

Như vậy, tùy vào ngữ cảnh mà đá trong nghệ thuật Kitô giáo có thể ám chỉ tới thánh Phêrô hoặc chính Chúa Giêsu.

Nguồn: gpbuichu.org

Check Also

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI Giuse Phạm Đình Ngọc SJ WHĐ (07.9.2021) – …