Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Chia Sẻ / Cổ nhân dạy bí quyết nuôi dưỡng tính thiện nơi con người

Cổ nhân dạy bí quyết nuôi dưỡng tính thiện nơi con người

Cổ nhân dạy bí quyết nuôi dưỡng tính thiện nơi con người

 

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết: “Tính tương cận dã; tập tương viễn dã”, nghĩa là, bản tính con người vốn gần giống nhau, nhưng do tiêm nhiễm phải những thứ khác nhau nên mới ngày càng khác xa.[1] Như vậy, dường như Khổng Tử không đề cập cách rõ ràng đến tính chất thiện-ác của nhân tính thuở ban sơ. Ông chỉ xem khởi điểm của mọi nhân tính là ‘tương cận dã’. Chỉ khi người ta mỗi người mỗi ngả, chịu tác động và thâu nhận từ môi trường tự nhiên và xã hội, từ quá trình giáo dục và tự giáo dục mà thành ra khác nhau. Giống như tấm vải vốn được dệt từ những sợi tơ trắng tuyền, sau này có màu sắc khác nhau là do được nhuộm bởi những màu khác nhau.

Tuy nhiên, trong sách Trung Dung, Khổng Tử viết: “Thiên mệnh chi vị tính”, nghĩa là, cái phần của Trời ban cho gọi là tính.[2] Vậy nếu tính là do Trời phú bẩm thì hẳn đó phải là thiện tính, không thể là ác tính được. Vì theo quan niệm của Khổng Tử, Trời là một hữu thể siêu hình[3], không chỉ khiến cho thiên nhiên chuyển vần, nhưng còn là nguyên ủy của vạn vật.[4] Bởi đó, há Trời lại chẳng phú ban cho con người một bản tính thiện hay sao?

Trên cơ sở đó, sau này, Mạnh Tử đã xuất ngôn có phần khẳng quyết hơn về nhân tính. Ông cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là, tính bản nhiên nơi con người ngay từ thuở ban sơ chưa bị hoen ố, pha tạp, cho nên tính vốn thiện lành.[5] Con người bản nguyên vốn sẵn có lòng thương xót, biết hổ thẹn, biết khiêm nhượng và biết thị phi mà ông gọi là Tứ đoan (bốn đầu mối).

Quả thế, trong sách Công Tôn Sửu thượng, Mạnh Tử viết: “Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã; vô tu ố chi tâm, phi nhân dã; vô từ nhượng chi tâm, phi nhân dã; vô thị phi chi tâm, phi nhân dã.” Nghĩa là, không có lòng thương xót, chẳng phải là người; không có lòng hổ thẹn, chẳng phải là người; không có lòng nhường nhịn, chẳng phải là người; không có lòng biết phải trái, chẳng phải là người.[6] Để minh họa, khi thấy một đứa trẻ rơi xuống giếng, người ta vội vàng lao xuống mà cứu nó. Chẳng phải vì họ quen biết cha mẹ của đứa trẻ, cũng không phải để người đời tán tụng ca khen, hay vì sợ bị mang tiếng là bất nhân bất nghĩa. Nhưng chính bởi lòng thương xót tự nhiên nảy sinh trong tâm khảm đã thôi thúc họ hành động như thế.[7]

Tuy nhiên, bốn đầu mối (Tứ Đoan) không giống như sóng ở đại dương, lúc nào cũng dạt dào sung mãn, đúng hơn, nó chỉ như những hạt mầm tiềm tàng tính thiện mà thôi. Do đó, nhiệm vụ của con người là tu rèn, sao cho có thể phát triển những hạt mầm thiện ấy, làm cho nó ngày một tăng trưởng và sinh hoa kết quả trong đời sống của mình. Chỉ khi ấy, tính thiện mới được ví như lửa bắt đầu cháy lên, suối bắt đầu lưu thông, đến nỗi người ta có thể gánh vác giang sơn tứ hải. Bằng không thì ngay cả cha mẹ, họ cũng không đủ sức phụng dưỡng.[8]

Như vậy, ngang qua ý niệm về Tứ Đoan, Mạnh Tử đã xây dựng triết lý nhân sinh trên nền tảng tính thiện tự nhiên nơi con người như nước chảy xuống thấp vậy. Đã là người thì không ai không có tính lành, không có nguồn nước nào là không chảy xuống thấp cả[9].

Vì thế, theo Mạnh Tử, đường tu tập tốt nhất không hẳn là đôn đáo tầm sư học đạo về những chuyện thiên văn thế sự, cho bằng trước hết phải gia công tồn tâm dưỡng tính nơi tự ngã, nghĩa là giữ gìn cái tâm (Tứ Đoan) và nuôi dưỡng tính thiện (Tứ Đức) Trời ban. Sở dĩ trên đời có kẻ tiểu nhân không phải vì họ không có tính thiện, nhưng là vì người ta xao nhãng và lãng quên việc vun trồng mầm thiện vốn có trong mình mà thôi.[10] Vì thế, bước đầu tiên trên con đường tu tập là trở về với lòng mình để tìm lại cái tâm tính thiện đã bị lãng quên. Kế đến, khi tìm được rồi thì phải chăm lo sao cho có thể khuếch sung Tứ Đoan và phát tỏa Tứ Đức tới mức thập toàn.

Trước hết, việc trở về với lòng mình hầu tìm lại cái tâm tính thiện đã bị lãng quên dường như là đường lối sơ khởi của việc tu tập. Mạnh Tử đưa ra một sự ví von tuy có phần mỉa mai nhưng rất chân thực như sau: “Người ta có con gà con chó chạy đi, thì biết tìm lại. Có tâm mất đi mà không biết tìm lại, đáng thương thay! Đường lối của sự học vấn không có gì khác là tìm cái tâm mình đã mất mà thôi.”[11] Nhà bình giải Lý Minh Tuấn cho rằng, “người mất tâm là người mất đi phần cao quý nhất trong con người, mất con người đích thực. Đó là người bị vong thân hoặc tha hóa trong ngoại vật.”[12]

 Để có thể ‘sưu cầu phóng tâm’, nghĩa là tìm lại cái tâm đã mất, tiên vàn người ta cần ngừng lạc bước, ngừng buông thả đời sống theo sự thôi thúc của phương diện cầm thú trong mình. Dừng lại để lắng nghe và ngẫm suy trong tĩnh tại những thông điệp của trái tim và lý lẽ của khối óc. Chiêm ngắm sự chuyển vần của huyết mạch và những xung động của cảm xúc ngang qua độ mạnh-yếu, nhanh-chậm và nhiệt độ của hơi thở, cùng với đó là lắng nghe nhịp điệu và áp lực của thính quan. Vì thân xác và tâm trí có một sự cảm ứng hài hòa đến mức người ta có thể thấu hiểu tâm hồn nhờ tri hiểu ngôn ngữ cơ thể. Chỉ khi trở nên thực sự bén nhạy với không gian nội tâm và quan năng ngoại thể như thế, ta mới có thể tìm gặp và nhìn thấy dung mạo chân thực của cái tâm tính thiện nguyên sơ của bản ngã mình. Khi ấy ta mới đạt tới niềm vui lớn lao chân thực của phận người. Vì “mọi vật đều đầy đủ ở ta. Trở lại mình mà thành thực, chẳng có gì vui lớn bằng.”[13]

Thứ đến, khi bàn về việc bảo tồn Tứ Đoan, Mạnh Tử nói “cẩu đắc kỳ dưỡng, vô vật bất trưởng; cẩu thất kỳ dưỡng, vô vật bất tiêu.” Nghĩa là, “nếu được bồi dưỡng, không vật nào không tăng trưởng; nếu không nuôi dưỡng, không vật nào không mất đi.”[14] Do đó, ông khuyến khích người ta cần thường xuyên dành thời gian để kiểm điểm về lòng yêu thương, về tính hổ thẹn, về những sự phải trái và về lòng khiêm nhường trong mọi tư tưởng, lời nói và hành vi thường nhật của mình.[15] Nếu thấy mình đã giữ gìn bốn đầu mối ấy một cách nghiêm cẩn, không có gì đáng chê trách trong suốt cả ngày sống, thì đó là một tín hiệu tích cực, cho thấy ta đang tu tập đúng hướng. Hệ quả tất yếu của việc khổ luyện ấy là càng ngày Tứ Đoan càng triển nở. Ngược lại, nếu ta chểnh mảng việc thực thi một hoặc cả bốn mối thiện ấy, đời sống của ta ít nhiều sẽ có những xáo trộn và bất an. Khi ấy, việc kiểm điểm đời sống mỗi ngày sẽ giúp ta, trước là nhận ra, sau là tìm cách khắc phục những nguyên nhân dẫn đến sự xáo trộn và bất an ấy. Theo Mạnh Tử, đó là phương thế hữu hiệu giúp người ta bảo tồn cái tâm tính thiện nơi mình. Việc bảo tồn tâm tính thiện có vai trò quan trọng đến nỗi Mạnh Tử đã xem đó như là tiêu chuẩn để phân biệt bậc quân tử với những người bình thường khác: “Quân tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm dã.” (Quân tử sở dĩ khác người ta cốt ở việc bảo tồn tâm hồn của mình).[16]

Bên cạnh việc kiểm điểm đời sống mỗi ngày, thì việc tiết dục cũng là một chiều kích mà con người cần rèn luyện để việc tu tập được nên trọn hảo hơn. Mạnh Tử nói: “Nuôi dưỡng tâm hồn, không gì tốt bằng ít ham muốn. Người nào ít ham muốn, thì họa hiếm mới không bảo tồn được đạo nghĩa. Người nào nhiều ham muốn, thì họa hiếm mới bảo tồn được đạo nghĩa.”[17] Nhà Phật đã xác định đích danh sáu loại dục (lục dục) mà con người cần tiết giảm đó là, sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp; thính dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai; hương dục: ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu; vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng; xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng và pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.[18]

Cuối cùng, bốn đầu mối của tính thiện (Tứ Đoan) là: lòng thương xót, lòng biết hổ thẹn, lòng khiêm nhường và lòng biết phải trái, đã hình thành nên Tứ Đức: Nhân; Nghĩa; Lễ; Trí. Điều đó giải thích vì sao Mạnh Tử nói rằng: “Bản tính người quân tử là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí có gốc rễ ở tâm.[19] Vì thế, ông quả quyết “phát triển hết cái tâm của mình thì biết được cái tính bản nhiên của mình; biết được tính bản nhiên của mình thì biết được Trời.”[20] Như thế, một lần nữa, Mạnh Tử cho thấy mối liên hệ biện chứng giữa việc dưỡng tâm và dưỡng tính; tức dưỡng tâm đã là dưỡng tính rồi.

Hv. Văn Tài, S.J.

[1] Khổng Tử, Luận Ngữ17.2. Cf. Dương Bá Tuấn, Luận Ngữ Chú Giải (Hà Nội: NXB Văn Học, 2019), 402.

[2] Khổng Tử, Trung Dung1. Cf.  Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, (HCM: NXB Tôn Giáo, 2010), Ebook, 1208-1209.

[3] Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 1211.

[4] Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 437.

[5] Cf. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2014), 138.

[6] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng6. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 590-591.

[7] Cf. Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, tran. Lê Minh Anh, (HCM: NXB Khoa học xã hội, 2013), 85

[8] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng6. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 590-591.

[9] Mạnh Tử, Cáo Tử Thượng, 2. Cf. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Phương Đông, (HN: NXB Từ Điển Bách Khoa, 2006), 201.

[10] Cf. Mạnh Tử, Cáo Tử Thượng, “Nhân, nghĩa, lễ, trí, phi do ngoại thước ngã dã; ngã cố hữu chi dã, phất tư nhi hỉ” (Nhân, nghĩa, lễ, trí chẳng phải từ bên ngoài mà đến với mình. Tất cả đều có sẵn trong tính cách mình, tại mình chẳng nghĩ đến đấy thôi). Cf. Phùng Quý Sơn, 138.

[11] Mạnh Tử, Cáo Tử Thượng11. “Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi. Hữu phóng tâm, nhi bất tri cầu! Học vấn chi đạo vô tha: cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỹ.” 人 有 雞 犬 放, 則 知 求 之, 有 放 心, 而 不 知 求;  學 問 之 道 無 他,求 其 放 心 而 已 矣. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 888 hoặc Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, (HCM: NXB Văn Hóa, 1996), 170.

[12] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, (HCM: NXB Tôn Giáo, 2010), Ebook, 889.

[13] Mạnh Tử, Tận Tâm Thượng, 4. “萬 物 皆 備 於 我 矣,反 身 而 誠,樂 莫 大 焉” (Vạn vật giai bị ư ngã hỹ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.) Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 947-948.

[14] Mạnh Tử, Cáo Tử Thượng8. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 879-880.

[15] Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ, 28. Cf. Phùng Quý Sơn, Mạnh Tử linh hồn của Nhà Nho, (Tân Bình: NXB Đồng Nai, 1996), 140-142 hoặc Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 784; 1012.

[16] Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ, 28, “君 子 所 以 異 於 人 者,以 其 存 心 也”. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 784; 943.

[17] Mạnh Tử, Tận Tâm Hạ, 35, “Dưỡng tâm, mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hỹ.” 養 心 莫 善 於 寡 欲.其 為 人 也 寡 欲,雖 有 不 存 焉 者 ,寡 矣 . 其 為 人 也 多 欲 ,雖 有 存 焉 者 ,寡 矣. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 1028 hoặc Cf. Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, 171-172.

[18] Cf.  https://hoavouu.com/a1089/luc-duc-that-tinh và https://thienphatgiao.org/that-tinh-luc-duc-la-gi/

[19] Mạnh Tử, Tận Tâm Thượng, 21. “君 子 所 性,仁 義 禮 智 根 於 心”. Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 964.

[20] Mạnh Tử, Tận Tâm Thượng, 1. “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính, tắc tri thiên hỹ (盡 其 心 者, 知 其 性 也; 知 其 性, 則 知 天 矣). Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Ebook, 941 hoặc Cf. Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, 167-169.

Check Also

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI

DẤN THÂN XÂY DỰNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI Giuse Phạm Đình Ngọc SJ WHĐ (07.9.2021) – …