ĐẠI DỊCH COVID VÀ NIỀM AN ỦI TỪ NHỮNG QUYỂN SÁCH
Matthew Nelson
Trong quyển Bước ngoặc của Ngày mai (The Landmarks of Tomorrow) năm 1959, Peter Drucker, một nhà quản trị kinh doanh tài ba, đã dự đoán về một thế giới mới. Ông dự đoán rằng sớm muộn gì nhân loại cũng tìm được sự sống cho mình mà ông gọi là “xã hội tri thức” (knowledge society). Ông thấy trước bộ não của con người sẽ trở có giá trị với xã hội hơn là cơ bắp vào kỷ nguyên sắp tới. Drucker đã đúng. Nhiều thập niên sau đó, thế giới thấy được sự phát triển của Internet, máy tính cá nhân đồng thời sự bùng nổ của các công ty lớn như Apple, Microsoft. Ngày nay, chúng ta tìm thấy mình bị nhấn chìm trong kỷ nguyên không chỉ về công nghệ kỹ thuật số nhưng còn về công nghệ thông minh. Mỉa mai thay, chúng ta lại thấy việc đọc sách bị suy giảm trong cái gọi là xã hội tri thức của chúng ta.
Drucker viết rằng cùng với việc xuất hiện của xã hội tri thức sẽ xuất hiện “người lao động trí thức” (knowledge worker). Drucker định nghĩa những người lao động trí thức như là những người lao động được huấn luyện chính thức, có trình độ cao, là những người biết áp dụng tri thức lí thuyết và phân tích vì lợi ích để phát triển các sản phẩm và dịch vụ. Những người lao động tri thức như thế bao hàm những chuyên gia như bác sĩ, nhà phân tích tài chính, nhà khoa học và luật sư đồng thời có thể mở rộng bao hàm cả những người như giáo sư đại học, giáo viên, các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ và ngay cả sinh viên.
Tôi là một người lao động trí thức trong suốt quãng đời trưởng thành của tôi. Lắng nghe các bài giảng; đọc các quyển sách và các bài báo; đồng thời viết lách, sáng tạo, và kiểm chứng các tư tưởng hầu như chiếm lấy toàn bộ cuộc đời của tôi từ khi tôi còn rất trẻ. Tôi bước vào trường đại học ngay khi rời khỏi trung học. Sau đó tôi làm giáo viên trung học và nhà tư vấn đầu tư. Tôi tiếp tục theo học tại trường vật lí trị liệu mà ở đó tôi ngày đêm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu và cuối cùng tôi làm việc như một sinh viên thực tập y khoa. Sau cùng, tôi tiếp tục dành nhiều năm thực tập kinh nghiệm cá nhân trước khi tham gia sứ vụ của Word on Fire[1] toàn thời gian.
Tại Học Viện Word on Fire, tôi tiếp tục ơn gọi của tôi như là một người lao động trí thức. Mặc dù, các việc như đọc và viết lách là những việc tôi cần làm, đồng thời chúng cũng là những việc tôi muốn làm. Chúng là một trong các hoạt động tôi sẽ làm ngay cả tôi không buộc phải làm. Đối với tôi, lao động trí thức là – hay ít nhất có thể là, đôi khi nên là – sự an nhàn. Đặc biệt điều này được chứng minh là đúng qua đại dịch Virus Corona. Quả thật, đọc và viết lách được xem như là một phương thuốc chữa trị tuyệt vời cho nỗi đau mà chúng ta đang gặp phải trong tình trạng khó khăn toàn cầu. Đặc biệt là đọc.
Do việc cách li vì đại dịch, mọi kế hoạch đi lại tạm dừng, hạn chế giao tiếp, đồng thời cũng là dịp dành thêm thời gian để giải khuây tại nhà, những hoàn cảnh tạo ra cơ hội đặc biệt và bất ngờ suốt một năm qua để tập trung vào những gì cha người Pháp dòng Đaminh A.G. Sertillanges nổi tiếng gọi là “đời sống tri [2]. Các hoàn cảnh của đại dịch đặc biệt đã tạo cho tôi cơ hội đọc nhiều quyển sách hay hơn nữa, cho cả mục đích chính thức và không chính thức, vì thời giờ và sự cô tịch gia tăng đáng kể từ tháng 01/2020.
Trong các loại hoạt động tri thức, đọc sách trên hết là sự khuây khỏa và niềm vui trong đại dịch. Đọc có một vị trí cao quý trong các hoạt động tri thức. Đọc là “bản lề” mà phần lớn đời sống tri thức xoay quanh nó. Như Sertillanges nhận định: “Đọc là phương tiện học hỏi phổ quát, và nó là sự chuẩn bị gần hay xa cho mọi tác phẩm”[3]. Hơn nữa, ngài còn viết: Đọc khiến chúng ta được cộng tác thật nhiều với các trí tuệ vĩ đại. Qua việc đọc, chúng ta luôn nghĩ với nhiều người, và thường là rất nhiều người – đặc biệt nếu chúng ta đọc những quyển sách hay.
Lao động tri thức
Chúng ta sống trong thời kĩ thuật số. Chúng ta chưa bao giờ biết thêm nhiều thông tin. Khó khăn chính yếu là biến những thông tin đó thành tri thức, và tri thức (biết rằng một điều nào đó là như thế) thành hiểu biết (biết tại sao nó là như thế). Đại dịch hiện nay tạo ra cơ hội hoàn hảo cho giáo dục – cho sự theo đuổi tri thức và hiểu biết – cho dù giảm bớt kế hoạch đi lại, giữ khoảng cách xã hội, và gia tăng sự cô tịch.
C.S. Lewis viết: Chúng ta có niềm khát khao theo đuổi, “tri thức và cái đẹp, theo một nghĩa nào đó, vì chính chúng; nhưng theo một nghĩa khác không loại trừ sự hiện hữu của chúng vì Thiên Chúa”. Một điều gì đó hiện hữu bên trong chúng ta làm cho chúng ta muốn theo đuổi chân lý và vẻ đẹp, ngay cả vào những lúc chiến tranh hoặc dịch bệnh. Chúng ta vốn có một niềm khát khao không thể xoá nhoà đối với chân lý và vẻ đẹp (và sự thiện, cũng quan trọng như hai điều kia). Như Lewis nhắc chúng ta trong tiểu luận của ông “Học hỏi trong Thời Chiến (Learning in War-Time)”:
Một niềm khao khát những sự này hiện hữu bên trong tâm trí con người, và Thiên Chúa không làm ra lòng khát khao nào vô ích. Vì thế, chúng ta có thể theo đuổi tri thức theo đúng nghĩa của nó, và vẻ đẹp, theo đúng nghĩa của nó, với niềm tự tin chắc chắn rằng khi làm như vậy chúng ta hoặc tiến tới diện kiến Thiên Chúa hoặc gián tiếp giúp người khác làm như thế”[4]
Công việc của tôi tại Học viện Word on Fire là phúc lành lớn trong đại dịch này, bởi vì công việc này giúp tôi hằng ngày trốn khỏi những khó khăn do hoàn cảnh hiện tại bằng cách nhấn mình vào trong đời sống tri thức. Tuy nhiên, trốn dịch không phải là lợi ích duy nhất. Vì khi nghĩ về Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài sẵn sàng chảy tràn (nếu chúng ta cho phép) vào trong lời cầu nguyện và một cảm giác chắc chắn rằng mọi sự sẽ ổn. Thánh Phaolô nhắc chúng ta phải có thái độ tâm linh thích hợp đối với người Kitô hữu, ngay cả khi chúng ta thấy mình bị đắm chìm trong biển gian nan: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,5-7). Như Thánh Phêrô đã hiểu trên Biển hồ Galilê, ngay cả khi cảm thấy mình như thể đang chết chìm, Hoàng Tử Bình An luôn ở đó đưa tay ra nắm lấy và cứu chúng ta (Mt 14,22-32).
Một trong những thú vui lớn trong công việc của tôi tại Học viện trong những tháng đầu đại dịch là nghiên cứu và viết về công trình của Đức ông Rober Sokolowski, một huyền thoại sống động giữa các triết gia Công Giáo và là một trong những nhà tri thức và tâm linh vĩ đại có ảnh hưởng đến Đức cha Barron. Tôi phối hợp việc nghiên cứu cao học (tôi hiện đang theo học thạc sĩ triết) với công việc của tôi tại Word on Fire, tham dự một lớp chuyên ngành về hiện tượng học – chuyên về “phong cách” triết học Sokolowski – chuẩn bị cho các bài viết và bài học sắp tới cho Học viện Word on Fire mà tôi hy vọng dành cho các tư tưởng của ông.
Một trong các tư tưởng có sức ảnh hưởng nhất của Đức ông Sokolowski là sự nối kết với bản tính Thiên Chúa mà bởi đó ông đưa ra sự phân biệt trọng yếu giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người chúng ta. Sự phân biệt, theo như ngài trình bày, mở đường cho những sửa đổi quan trọng về hiểu lầm về thần học trong một nền văn hóa rất lầm lẫn về Thiên Chúa. Chúng ta giống Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không giống như chúng ta – nghĩa là, Thiên Chúa không phụ thuộc vào vật chất khác để nên hoàn thiện và cao cả. Thiên Chúa hoàn hảo nơi chính Ngài. Đức ông Sokolowski cho rằng Thiên Chúa cộng với thế giới không lớn hơn, cũng không hoàn hảo hơn, chính Thiên Chúa. Điều này muốn nói rằng Thiên Chúa không cần thế giới (cũng không cần chúng ta là người ở trong thế giới). Chúng ta có thể nói Thiên Chúa hoàn toàn hạnh phúc dù có hay không có thụ tạo. Đúng thế, thánh Aselmô nói rằng Thiên Chúa “cao cả hơn mọi sự cao cả có thể được nghĩ tới”[5].
Điểm chính yếu là: Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, không phải vì Ngài phải làm, nhưng vì Ngài muốn. Ngài muốn chúng ta được hiện hữu vì tình thương, để chúng ta được hạnh phúc viên mãn với Ngài. Hiện hữu là hồng ân tinh tuyền. Đấng Sáng Tạo là một Thiên Chúa đầy ân nghĩa và lòng thương xót. Ngài ban cho chúng ta sự sống và cơ hội để được kiện toàn trọn vẹn – và tất cả đều “miễn phí”. Hơn nữa, Ngài đã và sẽ không ngừng ban niềm vui vĩnh cửu cho dù chúng ta phạm tội – nghĩa là, chúng ta lìa xa Ngài. Tình yêu ban sự sống của Thiên Chúa thì vô hạn. Ngài bày tỏ điều này cho chúng ta cách hiển nhiên nhất qua việc mặc lấy bản tính con người hữu hạn (mà không làm giảm chút nào Thiên tính của Ngài), rồi chịu đau khổ và chết vì tội lỗi chúng ta. Sự sống vĩnh cửu mà Ngài đã định cho chúng ta mãi mãi vẫn sẵn chờ ban tặng.
Thiên Chúa là hữu thể cao nhất có thể nhận thức được, dù có hay không có chúng ta. Nhưng Ngài muốn chúng ta chia sẻ hạnh phúc của Ngài; hơn thế nữa, Người đã làm đến cùng để chúng ta có khả năng đó. Sokolowski là một trong những nhà truyền đạt lớn toàn vẹn chân lý của đức tin Kitô giáo, và đi sâu vào tư tưởng của ông là một trong những điểm nổi bật về lao động tri thức của tôi kể từ khi đại dịch này tấn công. Mặc dù tôi chưa bao giờ gặp được ông, nhưng ông vẫn hiện diện trong cuộc đời tôi như một nhà hướng dẫn tâm linh và tri thức qua các quyển sách của ông. Đây chính là một trong những sức mạnh tuyệt vời nhất mà các quyển sách đưa ra trong những lúc khó khăn: Những quyển sách có thể đưa các nhà khôn ngoan bậc nhất trong số các nhà khôn ngoan vào sự hiện hữu chúng ta, và bằng một cách thật thân tình, ngay cả khi các ngài ở xa chúng ta hay đã qua đời rất lâu.
Những quyển sách cần có trong nhà chúng ta
Những quyển sách hay nhất – hay ít là những trải nghiệm đọc sách tốt nhất – thường là những quyển không đặt nặng bởi bổn phận. Kể từ đại dịch tấn công, nhiều quyển sách tôi đọc chỉ để giải trí. Đồng thời cũng có nhiều quyển sách tôi đọc với mục đích giáo dục (hay chỉ giải trí) cho ba đứa con tôi.
Hiện tại, đây là một chút “triết lý đọc sách” của gia đình tôi. Chúng tôi thích để sách trong nhà. Chúng tôi thích đọc, nhưng chúng tôi cũng thích có sách xung quanh. Đủ mọi thể loại sách ở trong nhà chúng tôi. Trên các kệ sách khắp căn nhà, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tác phẩm của Shakespeare, Dickens và Hemingway cũng như Austenm, Eliot và Brontë. Bạn cũng sẽ thấy sách của các nhà viết truyện đương thời như Wendell Berry và Diana Gabaldon. Bạn cũng sẽ thấy những bản anh hùng ca của Homer; thơ Geogre Herbert, Robert Browning và T.S. Eliot; các tác phẩm triết học của Aristotle và Edmund Burke; mấy cuốn lịch sử của Arnold Toynbee và Winston Churchill; sách của Cicero, Darwin, Belloc và Chesterton; ngay bên cạnh và hay trộn lẫn với những quyển sách đó là sách của Richard Feynman, Jim Collins, Joseph Epstein, Harold Bloom, Malcolm Gladwell và Nasim Icholas Taleb, đều là những tác giả đương thời đáng đọc. Dĩ nhiên, là người Công Giáo, kệ sách của chúng ta có chỗ trân trọng cho những quyển đắc của hay về các thánh, bao gồm tiểu sử và các tác phẩm tâm linh hàng đầu. Có những tác phẩm thần học hòa lẫn với các bộ sưu tập các bài giảng, cầu nguyện, thơ ca và các tiểu luận, cũng như các sách về bí tích, á bí tích, ăn chay, trừ tà, lịch sử Hội Thánh và học hỏi Kinh Thánh.
Cách nhìn và hi vọng của chúng tôi được tóm gọn trong phút hồi tâm đặc biệt của C. S. Lewis, được viết trong tác phẩm Ngạc nhiên bởi Niềm vui (Surprised by Joy), về thời thơ ấu của ông. Ông viết: “Tôi là một sản phẩm của những hành lang dài, những căn phòng trống rỗng đầy nắng, những khoảng lặng trong căn lầu, những gác mái trong đơn độc, tiếng nước chảy vọng về từ các thùng chứa và đường ống tận đằng xa, tiếng gió thổi dưới tán ngói. Và cũng là sản phẩm của những quyển sách không hồi kết”[6]. Lewis đã nắm bắt được bản chất nỗi khát khao của chúng tôi: cung cấp cho con cái một đời sống gia đình, mọi lúc mọi nơi, cung cấp dưỡng chất cho lí trí và trí tưởng tượng. Chúng tôi muốn các con lớn lên trong một ngôi nhà mà chúng có thể đọc mọi điều chúng muốn, đồng thời có thể tìm thấy trong nhà hầu hết điều gì chúng muốn đọc. Mặc dù một ngôi nhà với rất nhiều loại sách – một số tràn đầy chân lí và một số khác thì toàn sai lầm – không phải là cái nhìn không tưởng của mọi người, nhưng là của chúng tôi. Lewis nắm bắt cái nhìn chúng tôi trong một hồi ức đáng chia sẻ chi tiết:
Cha tôi cất mua tất cả sách mà ông đã đọc và không bao giờ vứt bỏ một cuốn nào. Trong phòng học có sách, phòng vẽ có sách, phòng để áo khoác cũng có sách, những quyển sách (2 lớp) trên kệ lớn ở đầu cầu thang, trong phòng ngủ có sách, sách chất cao ngang vai tôi trên gác mái, có sách đủ loại phản ánh mọi cấp độ quan tâm của cha mẹ tôi, có sách hay và chán ngắt, có sách phù hợp cho trẻ con và có sách hoàn toàn không. Không có gì cấm đoán đối với tôi. Vào những buổi trưa mưa rơi dường như bất tận, tôi đọc hết tập này đến tập khác trên các kệ sách. Tôi luôn chắc chắn tìm được một quyển sách mới đối với tôi giống như một người ra đồng chắc chắn tìm thấy một cọng cỏ mới.[7]
Vợ tôi, Amanda, và tôi có ba đứa con; đứa lớn nhất 6 tuổi. Mặc dù các con tôi còn học đọc, chúng tôi vẫn cố gắng khuyến khích chúng với những câu chuyện phức tạp hơn. Chúng tôi thường đọc cho chúng nghe, và đối với các quyển Berenstain Bears hay bộ Llama Llama, chúng tôi lấy từ các kệ sách một tập Biên Niên Sử Narnia hay một cuối Roald Dahl. Chúng tôi cũng là những người hâm mộ lớn của bộ: The 20th Century Children’s Book Treasury (Kho sách dành cho trẻ em thế kỉ 20), hay Ngỗng Mẹ: Một trăm câu được yêu thích nhất của Mary Engelbreit, và Sách các nhân đức của trẻ em (The Children’s Book of Virtues) của William J. Bennett. Để giúp chúng làm quen với Shakespear từ nhỏ, mà chúng tôi thấy cuốn Những câu chuyện từ Shakespear của Charles Lamb là một nguồn tài liệu lớn.
Hướng về phía trước, chúng tôi cũng đầu tư vào bộ sưu tập các tác phẩm Cổ Điển Được Minh Họa (khoảng thời gian từ lúc tôi còn nhỏ). Được rút gọn và viết lại cho các độc giả trẻ, bộ sưu tập này cũng giúp các bậc cha mẹ một cách dễ đọc những tác phẩm văn chương cổ điển như A Tale of Two Cities (Câu chuyện về hai thành phố) của Dicken hay The Invisible Man (Người tàng hình) của Well, sau đó cho phép chính những đứa trẻ bước vào truyền thống vĩ đại liên quan ở một lứa tuổi tương đối trẻ. Giống như một quyển Kinh Thánh hay dành cho trẻ em (chúng tôi thích quyển The Jesus Story Bible – Câu chuyện Kinh Thánh về Chúa Giêsu của Sally Lloyd-Jones), những tác phẩm cổ điển này giúp cho trẻ em nắm bắt được ý chính trong các câu chuyện hay nhất đã từng được viết trong văn hóa phương Tây, và các minh họa giúp trẻ em chú ý hơn dù khi những câu chuyện có chút khó theo dõi. Tóm lại, chúng tôi hiểu rằng các con chúng tôi dễ tiếp thu và có khả năng làm học giả – đặc biệt qua việc lắng nghe – hơn chúng tôi giả định lúc đầu.
Mặc dù luôn có chỗ cho việc thăng tiến từ phía chúng tôi, Amanda và tôi đặt nó làm ưu tiên trong thời gian đại dịch – đặc biệt vì chúng tôi dành một khoảng thời gian bất thường với nhau khi tôi làm việc tại nhà – dành thời gian đọc sách cho các con. Mặc dù đây đã là ưu tiên mà chúng tôi đã đề ra trước đại dịch, chúng tôi đọc nhiều hơn cho các con suốt thời gian có lệnh phải ở nhà.
Thêm vào các cơ hội mà nó tạo ra, việc đọc sách cho các con cũng tạo ra những cuộc thảo luận về những điều người công giáo chúng tôi tin. Hơn nữa, nó cho phép chúng tôi giới thiệu thêm cho các con giá trị một cuộc sống được phong phú nhờ học hỏi – ngay cả khi không đến trường! – để chúng có thể cuối cùng, tự mình, tìm biết tất cả những gì chúng có thể về những gì đúng, tốt, và đẹp, đồng thời làm cho cuộc sống của chúng phù hợp với những khám phá như thế.
Là một người lao động trí thức, tôi không ngừng đắm chìm trong “thông tin”. Thông tin quá nhiều trở nên tệ hại hơn suốt thời gian đại dịch vì tôi phải vật lộn để cập nhật những vấn đề nổi bật. Vì vậy, sự việc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết vì tôi phải tìm thời gian để bỏ qua mọi dữ liệu, sự kiện, tranh luận, và tìm nghỉ ngơi trong những câu chuyện hay. Như ông Miyagi trong phim Cậu bé Karatê khôn ngoan dạy rằng: “Bài học dành cho toàn bộ cuộc sống. Toàn bộ cuộc sống có một sự cân bằng. [Rồi] mọi sự sẽ tốt hơn”. Tôi phần lớn đọc các tác phẩm viết về người thật việc thật. Nhưng đôi khi tôi cần cân bằng các thứ một chút. Mặc dù tôi thích những tác phẩm về người thật việc thật hơn, nhưng tôi biết các tác phẩm hư cấu dù sao cũng có một vị trí vô giá trong đời tôi. Cũng như khi lạc vào thế giới của Tôma Aquinô và Robert Sokolowski khiến tôi được tiếp thêm sinh lực và thỏa mãn, tôi biết rằng sức khỏe của linh hồn tôi (nghĩa là, trí hiểu và lòng muốn) phụ thuộc vào tôi khi thi thoảng đi lạc vào một câu chuyện hay. Từ khi đại dịch tấn công, công trình của Michael O’Brien, là tác giả và hoạ sĩ người Canada, thật sự đã là lối nuôi dưỡng, cho tâm linh và trí tưởng tượng, mà tôi cần.
Quyển sách mới nhất của O’Brien, The Lighthouse (Ngọn Hải Đăng), một trong những tiểu thuyết ngắn nhất của ông. Chuyện kể về một người giữ hải đăng hướng nội khi anh ta tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và tầm quan trọng của tình bạn. Sách nói đến giá trị cả về cộng đoàn lẫn sự cô tịch và cho thấy chúng không loại trừ lẫn nhau. Sách cũng khuyến khích độc giả suy gẫm về những nét phân biệt tinh tế giữa cô tịch và thinh lặng, giữa thinh lặng và yên tĩnh. Hơn nữa, O’Brien cho thấy đường ranh giữa cô tịch và cô đơn tinh tế như thế nào. Suốt khoảng thời gian đóng cửa và giãn cách xã hội, tiểu thuyết của O’Brien được xem như là nhắc nhở cảm động sâu sắc về phạm trù hiện hữu của chúng ta, và tầm quan trọng của sự thân mật, con người và Thiên Chúa, như là một sự chữa lành đích thực. Mặc dù chúng ta không bao giờ được hoàn toàn thanh thản trong thế gian này, chúng ta cảm nhận được nhiều thanh thản trong tình bạn – đặc biệt tình bạn với Thiên Chúa. Không thể nào huỷ bỏ Thiên Chúa hay người thân cận. Và thường thường, chúng ta được nhắc rằng nơi tốt nhất để nuôi dưỡng tình bạn như thế là trong sự cô tịch.
Có lẽ lựa chọn mỉa mai nhất tôi đưa ra trong đại dịch này là quyển Plague Journal (Nhật ký dịch bệnh) của O’Brien. Ngay cả trước khi hạn từ “COVID” bước vào kho từ vựng của tôi, tôi đã thật sự chú tâm đọc cuốn này từ đầu năm 2019, theo lệnh của Amanda. Nàng đã đọc quyển này vào cuối năm 2018. Cả hai chúng tôi đều là fan hâm mộ tác phẩm của O’Brien trong một thời gian dài, ông là một tác giả nhận được lời ca ngợi của một vài tác giả đáng kính nhật trong giới Công Giáo. Chẳng hạn, theo lời của Peter Kreeft, “O’Brien là một nhà kể chuyện tâm linh đại tài xứng đáng gia nhập vào hàng ngũ với Flannery O’Connor, Graham Greene, Evelyn Waugh và C.S. Lewis”[8]. Đó là nhóm khá nổi bật.
Plague Journal là quyển thứ hai trong bộ ba cuốn được đặt trong một bộ sách lớn hơn gồm 6 tiểu thuyết được nhà xuất bản Ignatius Press ấn hành được gọi là Children of the Last Days (Những đứa con của những ngày sau cùng). Bộ sách này là một loại “thiên hùng ca khải huyền”, và bộ sách giàu tưởng tượng miêu tả cách các sự việc có thể diễn ra nếu thế giới văn minh, cả trong lẫn ngoài Hội Thánh, rơi sâu hơn vào nạn tham nhũng và thế tục hóa. Cuối cùng, các quyển sách này đưa ra một cái nhìn về cách “thời tận thế” xảy ra về mặt xã hội, chính trị, và Hội Thánh. Các quyển sách này rất thực tế, sâu sắc và gây băn khoăn. Chúng trình bày một cách rõ ràng, có sự sáng suốt tâm linh và thỉnh thoảng mang tính thi ca.
Những quyển trong bộ Những đứa con của những ngày cuối cùng đưa ra một cái nhìn thấu đáo về sự đổ vỡ của con người và thực tại sự dữ, thấy được và không thấy được. Giống như tiểu thuyết gia người Nga vĩ đại Fyodor Dostoyeski, O’Brien có một khả năng lồng hi vọng vào những tiểu thuyết bi thương nhất của ông; hi vọng tuôn chảy cách đặc biệt từ lòng Chúa thương xót; hi vọng có thể xuyên qua tâm hồn. Tương phản với Flannery O’Connor viết về việc ban tặng “ân sủng, thường bị từ chối”, những câu chuyện của O’Brien nói về việc ban tặng “ân sủng, có thể được đón nhận”.
Chúng ta cần cả hai thể loại câu chuyện này. Tình trạng tâm linh cuối cùng các nhân vật của O’Brien luôn luôn trong suốt như pha lê, tuy nhiên luôn có một cảm giác hi vọng thôi thúc. Có những cuộc hoán cải bất ngờ, và cũng có những cuộc hoán cải được mong đợi mà dường như không bao giờ xảy ra. Có một cái gì đó không thể phủ nhận là phù hợp về sự nhập nhằng này. Vì trong thế giới thực, chúng ta thường không chắc chắn sự thể sẽ kết thúc như thế nào đối với các linh hồn. Do đó chúng ta hoàn toàn buông mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa với niềm tín thác của người con thảo. Lòng thương xót, của con người và của Thiên Chúa, luôn có giá trị trong các câu chuyện của Michael O’Brien. Sự quan phòng của Thiên Chúa luôn hoạt động và mãnh liệt, mặc dù sự quan phòng đó thường tỏ hiện bằng những cách bất ngờ. Những nét đặc trưng như thế làm cho mỗi quyển tiểu thuyết của O’Brien thành một cuộc tĩnh tâm như nó là cuộc phiêu lưu giàu tưởng tượng. Các tiểu thuyết của ông là một hồng ân đối với tôi trong đại dịch này.
Tôi sẽ không kể cho các bạn câu chuyện trong cuốn Plague Journal (Nhật kí dịch bệnh). Bạn sẽ phải đọc nó. Nhưng trước khi bạn đọc nó, xin đọc Strangers and Sojourners (Người lạ và người tạm trú), là tập đi trước nó. Một vài năm trước đây, tôi gặp một trong những người con của Michael O’Brien. Tôi hỏi anh thấy quyển nào trong các sách của cha anh mà anh nghĩ là hay nhất. Anh nghĩ đó là cuốn Strangers and Sojourners. Xin nhắc lại một lần nữa, đây là quyển đầu tiên trong bộ ba cuốn nằm trong loạt sách lớn hơn.
Hai vợ chồng tôi đã tặng quyển Strangers and Sojourners cho bạn bè vào một số dịp. Có lẽ cuốn sách đặc biệt lôi cuốn chúng tôi vì nó diễn ra trong các ngọn núi của British Columbia, một vùng đất Canada cả hai chúng tôi đều yêu mến và đặc biệt quen thuộc với vợ tôi. Strangers and Sojourners diễn tra vào đầu thập niên 1900, lúc đó cuộc sống đơn giản hơn nhiều và kinh nghiệm của con người về cuộc sống ngày qua ngày cũng tinh tuyền hơn. Cả Amanda và tôi đều rất lãng mạn, thường bị đánh động vì nỗi nhớ Đất Mẹ (bây giờ chúng tôi đang sống ở Texas) và “những ngày xa xưa” khi lò vi sóng, Tivi và điện thoại thông minh chưa chiếm lĩnh thế giới. Trong Strangers and Sojourners, bạn gặp thấy sự đơn giản của những lúc qua đi trộn lẫn với những vấn đề vô tận về tội lỗi và hoài nghi mà mọi người phải đối diện. Kreeft viết: “Không có cuốn tiểu thuyết nào từ thời Dostoyevski nuôi dưỡng linh hồn tôi như Strangers and Sojourners”[9].
Plague Journal, tuy ngắn hơn và ít phức tạp hơn nhiều, bổ sung dưỡng chất tinh thần cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Thật phù hợp, trong một thời đại giống như thời đại chúng ta bị hủy hại bởi xung đột và bất an, những quyển sách của O’Brien nhắc nhở chúng ta rằng, ở đây, chúng ta thật sự ở trong tình trạng đang hành trình hướng về ngôi nhà cuối cùng của chúng ta. Chúa Kitô sẽ đến lần nữa – và tất cả chúng ta đều biết, có thể là ngày hôm nay. Nhưng dù cho hành trình trần thế của chúng ta kết thúc với việc Chúa Kitô Đến Lần Thứ Hai hay với cái chết, nhu cầu cần chuẩn bị – về tâm linh lẫn thực tế – đã được củng cố cách mạnh mẽ cho chúng ta qua việc đọc những quyển sách này.
Xét đến phạm vi toàn cầu của cuộc khủng hoảng mà chúng ta vẫn còn bị ngập chìm trong đó – dù có hay không có những quyển sách như tôi vừa đề cập – tất cả chúng ta đều buộc phải nghĩ về “những điều sau cùng”. Cho dù đó là bệnh tật, cái chết, thất nghiệp hay những nỗi đau khác do đại dịch, cách nào đó chúng ta tất cả đều phải tính đến thực tại đau khổ trong chính cuộc sống của chúng ta. “Đời là bể khổ”{C}[10], Jordan Peterson hay nhắc lại câu này cho thính giả của ông. Và có những ngày nó dường như chắc chắn đúng. Đau khổ là điều không thể tránh được trong đời mỗi người. Nhưng đối với Kitô hữu, sự sống luôn lớn hơn đau khổ. Sự sống còn là một hồng ân – một hồng ân có chiều kích vô hạn. Đó là hành lang, là phương tiện đưa đến thiên đàng. Và những bất toàn của cuộc đời này – thử thách, nỗi khổ, bi kịch, và đớn đau – nói cho cùng, tất cả đều có ý nghĩa không phải là những bức tường nhưng là phương tiện để có ân sủng, sự chữa lành, và thánh hóa. Đó là lí do Thánh Phaolô có thể vui mừng được chịu đau khổ – bởi vì Chúa Kitô đã làm cho đau khổ, lớn lẫn nhỏ, của chúng ta có khả năng mang giá trị cứu độ (x. Cl 1,24).
Vì thế, đối với người Kitô hữu, đau khổ là sự sống. Nhiều quyển sách hay nhất tôi đọc trong năm qua nhắc tôi về nghịch lí gây sửng sốt này – đó là một điều ban cho tôi sự sống và đã giúp tôi tiếp bước trong đại dịch Coronavirus. Và một điều mà có lẽ tôi đã rất dễ quên: chẳng phải niềm an ủi đến từ những quyển sách sao.
——-
Matthew Nelson là một nhà hộ giáo và Hội viên của Học viện Word on Fire. Ông là tác giả quyển Just Whatever: How to Help the Spiritually Indifferent Find Beliefs That Really Matter (Catholic Answers, 2018). Ông có bằng tiến sĩ về nắn xương khớp ở đại học Canadian Memorial Chiropractic.
Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 124-144.
Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
[1] Word on Fire (Lời trên Lửa) là mạng lưới truyền thông Công giáo đa dạng do Đức cha Robert Barron sáng lập. Quý vị có thể theo dõi trên website: wordonfire.com (Ghi chú của người dịch).
2] X. A.G. Sertillanges, OP, The Intellectual Life: Its Spirit, Conditions, Methods, trans. Mary Rayan (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1998).
[3] Sertillanges, The Intellectual Life, 145.
[4] C. S. Lewwis, “Learning in War-Time”, C.S. Lewis website, https://www.
cslewis.com/learning-in-war-time/.
[5] Anselm, Proslogion 2-5.
[6] C. S. Lewis, Surprised by Joy (New York: Harvest, 1995), 10.
[7] C. S. Lewis, Surprised by Joy, 10.
[8] Peter Kreeft, endorsement for Michael O’Brien, Stangers and Sojourners (San Francisco: Ignatius Press, 1997).
[9] Peter Kreeft, endorsement for Michael O’Brien, Strangers and Sojourners.
[10] Jordan Peterson, 12 Rules for Life: An Antidote to Chaos (Toronto: Random House Canada, 2018), xvii, 338.
Nguồn: http://giaophanmytho.net/