2. CHUẨN BỊ CỬ HÀNH HÔN NHÂN
2.1. Chuẩn bị xa, gần và tức thì
Giáo Luật không ấn định một chương trình chuẩn bị như thế nào, chỉ quy định những nét chính yếu:
a- Chuẩn bị xa
Bằng việc giảng thuyết, bằng việc huấn giáo thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên… nhờ đó các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Kitô giáo (đ. 1063,1o).
Thực hiện việc chuẩn bị xa thường bằng tổ chức những khóa học về hôn nhân chuyên biệt cho những đôi sắp kết hôn. Những khóa học phổ thông cho thanh thiếu niên và thành niên cũng cần được tổ chức để giúp tín hữu nhận thức về ý nghĩa cũng với những quyền lợi và bổn phận hôn nhân.
b- Chuẩn bị gần
Bằng việc chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới (đ. 1063,2o).
Theo hướng dẫn của Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình thì việc chuẩn bị này bao gồm việc giáo huấn về:
- Những tương quan liên vị giữa người nam và người nữ trong chương trình của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình;
- Ý thức về sự tự do ưng thuận như là nền tảng của sự kết hợp đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân;
- Khía cạnh nhân bản của tính dục hôn nhân, hành vi kết hợp vợ chồng;
- Khái niệm đúng đắn trách nhiệm cha mẹ;
- Những yêu cầu và mục đích, sự giáo dục con cái đúng đắn.[1]
Vào phần cuối của chuẩn bị gần này, đôi bạn cần biết những điều tốt đẹp của hôn nhân và cách sống giữa cộng đoàn, cũng như làm thế nào để “bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu sau này… làm thế nào để tránh những ‘khủng hoảng’ vợ chồng”.[2]
Như vậy theo Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình thì cần hướng dẫn đặc biệt đến chính hôn nhân: sự ưng thuận, tương quan nhân bản liên vị, đời sống luân lý tính dục, nghĩa vụ quyền lợi vợ chồng, nghĩa vụ cha mẹ.
Sự giáo huấn, nếu chỉ chú trọng đến những điểm giáo lý hôn nhân hay cách sống đạo nói chung mà không để ý đến những tương quan liên vị hay đến nghĩa vụ bổn phận hôn nhân gia đình là không đúng với đường hướng cho việc chuẩn bị hôn nhân.
c- Chuẩn bị tức thì
Chuẩn bị tức thì để “cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ” (đ. 1063,3o).
Đôi bạn cần ôn lại tất cả những điều đã học hỏi và những chuẩn bị tinh thần và phụng vụ.[3] Chuẩn bị tức thì này lại càng cần thiết hơn đối với những trường hợp mà đôi bạn không tham dự vào những khóa học hôn nhân.
d- Có bắt buộc chuẩn bị hôn nhân không?
Việc chuẩn bị cho hôn nhân có phải là điều kiện bắt buộc sine qua non không, hoặc chỉ là một tùy chọn mục vụ?
“Huels lưu ý rằng, điều 1077§1 (về việc Bản Quyền có thể cấm kết hôn trong một thời gian tạm thời) có thể dùng để hoãn lại việc kết hôn, cho đến khi đôi bạn đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, rất khó mà từ chối cử hành hôn phối chỉ vì đôi bạn đã không tham dự được chương trình hôn nhân riêng biệt. Nên phân biệt giữa chương trình chuẩn bị hôn nhân cụ thể và sự chuẩn bị cho hôn nhân. Điều quan trọng là đôi bạn phải được chuẩn bị cho hôn nhân. Chuẩn bị này như thế nào có thể là không giống nhau đối với mọi đôi hôn nhân. Sự chuẩn bị hôn nhân của một đôi bạn phải được ước định một cách cá nhân và khách quan. Nếu họ không được chuẩn bị, điều 1077§1 có thể được gợi đến để hoãn lại việc kết hôn. Tuy nhiên, quyền căn bản của con người được kết hôn (đ.1058) cũng phải được xét đến trong quyết định và đánh giá những sự chuẩn bị như vậy”.[4]
e- Giải pháp cho những vụ xin cưới gấp
Cha sở đôi khi được giáo dân yêu cầu phải cử hành hôn phối cho họ sớm, với những lý do thường thấy như sau:
– Đã lỡ có thai, phải kết hôn để bảo vệ danh dự;
– Có người thân như cha, mẹ, ông, bà sắp qua đời, phải cưới gấp để chạy tang;
– Bên lương đã định ngày kết hôn, do tin vào ngày tốt xấu.
Trong những trường hợp trên, hay tương tự, Huels lưu ý: “Sự chuẩn bị hôn nhân của một đôi bạn phải được ước định một cách cá nhân và khách quan”. Vì vậy, cha sở sẽ không ra một quy định chung để giải quyết tất cả các đôi đều như nhau, hoặc các cha sở trong một giáo phận đều phải theo một quy định thống nhất như nhau.
Cha sở cần khôn ngoan xem xét từng trường hợp riêng biệt một, dung hòa giữa quyền kết hôn, quyền bảo vệ thanh danh với yêu cầu của Giáo Luật về sự chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn Phối.
Điểm cốt yếu cần thiết để chấp thuận cho kết hôn là đôi bạn có thực lòng yêu thương nhau, muốn tiến tới kết hôn, chứ không phải vì áp lực nào khác. Tiếp đến là khả năng trưởng thành nhân bản của mỗi bên, là có thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. Trong trường hợp này, yêu cầu về hiểu biết giáo lý hôn nhân, có thể được giảm nhẹ.
Để giải đáp cách thỏa đáng trước sự đấu tranh đòi phải được kết hôn của họ, cha sở có thể yêu cầu họ làm một khảo hạch (cụ thể là làm một bài kiểm tra trắc nghiệm), theo như yêu cầu cần khảo hạch của Giáo Luật, theo quy tắc của điều 1067[5].
Điểm số thấp là một chứng minh rằng một người không thể được chấp nhận cho kết hôn theo Giáo Luật. Sự từ chối của cha sở trong trường hợp này là có được lý do thỏa đáng. Cha sở nên chuẩn bị sẵn một số bài trắc nghiệm cho những trình độ khác nhau và tùy nghi sử dụng.
2.2. Lãnh nhận bí tích Thêm Sức
Người Công Giáo nào chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, thì phải lãnh nhận bí tích ấy trước khi kết hôn, nếu điều đó có thể thực hiện được mà không có bất tiện nghiêm trọng (đ. 1065§1).
Nếu là dự tòng hay người đã quá tuổi nhi đồng thì chính linh mục, chiếu theo chức vụ khi ban bí tích Rửa Tội, có năng quyền ban bí tích Thêm Sức (đ. 883,20). Nếu là người Công Giáo có đạo từ lâu chưa lãnh nhận Thêm Sức thì linh mục có thể xin Đức Giám Mục ủy năng quyền (đ. 884). Trong trường hợp có bất tiện nghiêm trọng, thì có thể miễn Thêm Sức.
Trong trường hợp không có giấy tờ, việc đã lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức có thể được chứng minh theo quy tắc của điều 876, nghĩa là, lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được Thêm Sức, đủ để làm bằng chứng cho việc ban bí tích, nếu điều đó không gây thiệt hại cho ai.
=================================
Bài được trích từ quyển:
LÊ NGỌC DŨNG, Cẩm Nang Mục Vụ Giáo Luật Bí Tích Hôn Nhân, NXB Tôn Giáo, Nha Trang 2017.