Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Sống Đạo / BẠN KHÔNG THỂ CHO ĐIỀU BẠN KHÔNG CÓ

BẠN KHÔNG THỂ CHO ĐIỀU BẠN KHÔNG CÓ

BẠN KHÔNG THỂ CHO ĐIỀU BẠN KHÔNG CÓ

Tác giả: Bobby Angel[1]
Chuyển ngữ: Nhóm dịch Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org[2]

WGPMT (11.7.2021) – Bạn không thể cho điều bạn không có. Mùa hè vừa qua tôi đã phải học lại bài học thiêng liêng đơn giản này một cách đau đớn khi tôi cảm thấy xa cách tình yêu và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô.

Nhìn chung tôi nghĩ hầu hết những hi vọng và ước mơ năm 2020 của chúng ta đã bị thay đổi khi chúng ta đối diện với một bệnh dịch toàn cầu và một mùa hè bất ổn về sắc tộc. Là một người cha và một giáo viên trường Công Giáo, tôi quen với mấy đứa con và sinh viên nhìn tôi như thể tôi có đầy đủ khôn ngoan và kinh nghiệm cuộc sống để giải thích mọi điều. Giống như phần đông trên thế giới, tôi không có câu trả lời nào khi đối mặt những tháng khó khăn đó, và điều trông có vẻ là một mùa hè yên tĩnh đã không đem lại chút nghỉ ngơi nào về cảm xúc và tinh thần.

Cuối cùng, tôi đã nhận ra rằng nếu tôi không tái tập trung cuộc sống của mình vào Đức Kitô và sự bình an mà chỉ có Người mới có thể ban cho, thì không hi vọng gì để tôi trao chút bình an đến với các sinh viên, đồng nghiệp hay con cái tôi. Đó là một bài học mà tôi cần một ít thời gian và sự khiêm tốn mới nhận ra, nhưng năm 2020 đã trở nên một mùa hồng ân có sức biến đổi thật sự từ nơi Chúa.

Đấm vào tường

Tôi đã làm việc hơn tám năm tại một trường nam Công Giáo tại Anaheim, California. Năm học 2020 đã đưa đến một sự khúc quanh đột ngột nhất mà bất kì ai trong đời sống chúng ta đã trải qua từ khi dịch bệnh COVID-19 tấn công các bờ biển nước Mỹ và toàn bộ quý bốn chỉ còn việc học trực tuyến. Vài giáo viên đã thành thạo công nghệ, trong khi cũng còn một vài người không biết cách kiểm tra email của mình. Tuy nhiên, người ta hi vọng tất cả nhanh chóng làm quen với những công cụ kỹ thuật số Zoom, Google Meet, và nhiều ứng dụng khác để hoàn thành năm học.

Các sinh viên thực tế đã đi nghỉ mùa xuân và rồi không bao giờ quay trở lại về mặt thể lí. Nhìn mấy con trai tôi bỏ lỡ buổi khiêu vũ, những trận đấu thể thao mùa xuân, và lễ tốt nghiệp thì thật là khó, và tôi dành thời gian để chúng có thể trò chuyện và được nâng đỡ vì tôi thấy sự cô đơn và chán nản làm chúng suy sụp. Việc bắt đầu năm học mới vào mùa thu mang đến những cảm giác hoang mang, thất vọng và một khao khát giản đơn được quay lại tình trạng bình thường.

Về mặt thiêng liêng, tôi cảm thấy đau đớn vì không thể lãnh nhận các Bí tích. Như nhiều người trong các bạn, tôi được nuôi dưỡng bằng các Thánh lễ ảo [trực tuyến] từ Đức Cha Barron, cha Steve Grunow và các cha trên khắp đất nước. Việc này chắc chắn đã giúp tôi luôn cập nhật theo mùa phụng vụ. Nhưng Thánh lễ ảo không phải là một thay thế tương xứng, bởi vì đức tin của chúng ta có bản chất nhập thể: chất thể thật của các Bí tích chúng ta lãnh nhận, vẻ đẹp của kiến trúc thánh đường, và những gương mặt của dân Thiên Chúa. Chúng ta là một dân hữu hình và Thiên Chúa ước muốn nuôi dưỡng chúng ta bằng Bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng Sống bằng chất thể. Thực tại đó không thể được tái tạo qua màn hình.

Cuộc sống ở California đã cho thấy đặc biệt khó khăn vì những hạn chế đối với việc kinh doanh và các nhà thờ cứ thay đổi từ tuần này sang tuần khác. Trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể thờ phượng trong nhà thờ, nhưng sau đó chính quyền lại quy định chỉ làm việc thờ phượng bên ngoài. Việc đăng nhập đúng khung giờ Thánh lễ trên các trang web được thiết kế sơ sài của giáo xứ và việc đường truyền không cho phép chúng ta truy cập bởi vì chúng ta đã “vượt quá chỉ tiêu” số người tham dự đã để lại một vị mặn đắng trên môi tôi, bởi vì Hội Thánh, ở khắp nơi, không phải là chỗ mở rộng cánh tay và lòng hiếu khách hay sao? Tôi hiểu sự khó khăn đối với mỗi giáo phận và giáo xứ – phải quan tâm đến vấn đề sức khỏe và những tác động về luật có thể có – tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy thật sự thất vọng.

Rồi tiếp đến là cái chết của George Floyd và một mùa hè với những cuộc biểu tình, bạo động, và những cuộc đối thoại quan trọng về sắc tộc và hòa giải trong thế giới cũng như trong Hội Thánh. Nhiều cuộc đối thoại quan trọng đã và vẫn đang diễn ra, nhưng sự cách li thể lí do Covid chỉ thêm vào sự cách li về mặt xã hội và cảm giác vô dụng. Sự kết hợp giữa cảm giác cuộc chống virus toàn cầu không hiệu quả, sự bất ổn xã hội, và một ngôi nhà thờ tôi không được phép vào khiến tôi tổn thất thật sự với tư cách là một con người, một giáo viên, một người chồng, và một người cha. Tôi đã rút lui khỏi truyền thông xã hội và việc theo dõi tin tức mỗi hai mươi bốn giờ, và quyết định chỉ ở với gia đình và xây dựng lại đời sống cầu nguyện của mình. Gia đình và sinh viên của tôi cần sự hiện diện của tôi hơn những lời giải đáp không đi đến đâu của tôi về sự đau khổ của thế giới. Giống như Mẹ Maria ở dưới chân thập giá trên đồi Calvariô, thỉnh thoảng mọi sự bạn có thể làm là đứng lặng yên chịu khổ với những người khác.

Tôi đã không thể cho điều mà tôi không có, và tôi cần phục hồi vị trí trung tâm của Chúa Kitô trong đời sống hằng ngày của mình.

Hãy tìm kiếm trọng tâm

Lời nhắc nhở thường xuyên của Đức cha Barron “hãy tìm kiếm trọng tâm” có nghĩa là đặt Chúa Kitô làm trọng tâm tuyệt đối trong tất cả các hoạt động của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta đặt bất kì sự gì khác vào trọng tâm cuộc sống của mình – như danh tiếng, công việc, truyền thông xã hội, tiền bạc, thú vui – chúng ta đương nhiên trật đường. Hoặc theo cách C.S.Lewis trình bày: “Hãy đặt những điều ưu tiên trước và chúng ta có thêm những điều thứ yếu: còn đặt những điều thứ yếu trước, chúng ta sẽ mất cả điều ưu tiên và điều thứ yếu”[3].

Tôi đã đấu tranh suốt năm 2020 để giữ Đức Kitô ở trọng tâm đời sống của mình. Tôi nhận ra mình bị mắc vào tròng phải cập nhật tin tức mới liên tục và phải kiểm tra mạng xã hội đến một mức độ không lành mạnh. Tôi cảm nhận tôi phải biết mọi thông tin mới về Covid hoặc tình hình về vụ George Floyd ngay khi chúng xuất hiện. Tôi phải là một giáo viên có những thông tin mới nhất về mọi thứ. Không “biết rõ sự việc” trong thế giới hiện đại bị xem là một tội trọng.

Sự nguy hiểm nằm sẵn trong việc cập nhật liên tục này là chúng ta gắn chặt mình vào chuyện chẳng ra đâu trong một cơn bão sẵn sàng nhấn chìm chúng ta cùng với sự thoả mãn ngày càng tăng. Luôn luôn có nhiều tin tức hơn; luôn luôn có nhiều những chuyện phiếm trên mạng xã hội để tiếp thu. Không có sự gì trong thế giới này làm thỏa mãn cơn khát vô hạn của chúng ta ngoại trừ Chúa Kitô. Lời Thiên Chúa nhập thể là nền tảng vững chắc và là nơi bến bờ an toàn thật sự của chúng ta. Một khi trọng tâm đó được thiết lập (hoặc tái thiết lập), được bồi dưỡng và bảo vệ, chúng ta có thể phân định và chuyển động qua các lĩnh vực công việc, tin tức, và các tương quan để mang ánh sáng vào chốn tối tăm.

Đối với tôi, điều này có nghĩa là một sự rút khỏi internet, quy tụ với gia đình, và việc thiết lập một thói quen cầu nguyện mỗi ngày. Tôi trở lại đọc Kinh Thánh hàng ngày và hướng dẫn gia đình lần chuỗi chung với nhau. Sự bình an đã nhanh chóng xuất hiện trở lại, như thể Thiên Chúa đang nói: “A, rốt cuộc. Xin chào quay trở lại”.

Dĩ nhiên, là một giảng viên thần học tôi đã khuyên các sinh viên của mình về sự cần thiết cầu nguyện hàng ngày để có một cuộc sống vui tươi và vững chắc, nhưng mà nói thì dễ hơn làm. Tôi đã phải học uống thuốc của riêng mình.

Trở lại cuộc chơi

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”[4], trích dẫn người cùng tên với Ngài (x. 1Cr 9,16). Câu này âm vang nơi tôi cách sâu sắc, vì nó thách thức tôi suốt thời gian còn lại của năm 2020 để thoát khỏi sự  tự thương hại mình hoặc sợ hãi rút lui, và để trở lại sân chơi loan báo Tin Mừng.

Vài người trong chúng ta đã được trao cho các lớp học, những người khác là các diễn đàn truyền thông xã hội, những người khác là một câu lạc bộ sách, những người khác là một không gian văn phòng, những người khác nữa là chính ngôi nhà của họ – bất kì không gian nào Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, chúng ta phải mang lửa Thánh Thần vào trong những đấu trường đó. Chỉ có Thần Khí Thiên Chúa mới sinh ra hoa trái bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, và từ tâm.

Thánh Phaolô thúc giục chúng ta rập lối suy nghĩ của mình theo Chúa Kitô và giết những thói xấu ngăn cản Ngài làm trung tâm của chúng ta, để chúng ta có thể tha thứ, yêu thương và canh tân nhau (xem Cl 3,5-17). Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thánh có cùng sinh nhật với tôi, đã diễn tả việc rập theo Chúa Kitô là “không bao giờ rời bỏ Ngài, và Ngài phải luôn luôn được nhìn thấy qua sự thánh thiện của chúng ta, qua sự hiền lành của chúng ta”[5]. Chúng ta phải làm cho mình lắng đọng và phải ở yên khi đối diện với những sự lôi cuốn bất tận để nhận được ơn biến đổi này.

Dĩ nhiên, mọi sự tĩnh tâm hoặc sự tập trung mà chúng ta đưa vào cuộc sống nội tâm của mình không thể trở thành một bức tường để chúng ta trốn hầu không bao giờ liên hệ với thế gian lần nào nữa. Chúa Kitô đã kêu gọi tất cả chúng ta rao giảng và truyền bá Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Tất cả chúng ta cần giữ khoảng cách với tin tức, truyền thông xã hội, và sự bận rộn bất tận khi chúng ta ngập tràn và tái tập trung bản thân vào Thiên Chúa, là Tác Giả Thánh đang hướng dẫn và nâng đỡ mọi sự. Nhưng giống như một võ sĩ quyền anh được huấn luyện viên của mình cổ vũ nơi một góc sàn đấu, một khi chúng ta được trấn tỉnh và hồi sức, Thiên Chúa muốn chúng ta quay lại vũ đài.

Ơn được làm một người cha nghĩa là thời gian của tôi không bao giờ là của riêng tôi. Tôi đã dần quen thuộc với việc tôi có thể rút lui hoàn toàn khỏi thế giới. Mặc dù tôi có khi muốn tập trung và làm một đan sĩ đọc sách suốt ngày, cuộc sống của tôi không còn là của riêng tôi nữa. Đây là một bài học tôi đã học được cách vất vả qua nhiều năm, nhưng nó mang lại niềm vui bền vững, vì hạt lúa mì phải chết mới sinh nhiều bông hạt (xem Ga 12,24). Đối với tất cả chúng ta là những người được Chúa Kitô kêu gọi, việc ngồi bên đường không phải là một sự lựa chọn.

Thỉnh thoảng điều này có nghĩa là chúng ta phục vụ bằng những cách âm thầm và thỉnh thoảng bằng những cách quyết liệt làm đảo lộn toàn bộ đời sống chúng ta. Vào cuối năm 2020 vợ tôi và tôi đã nhận những vị trí mới tại học viện Word on Fire. Đó là bài học lớn về sự không dính bén theo kiểu Phanxicô khi chúng tôi cả nhà sáu người chuyển sang phía bên kia đất nước và hiện tại đang sống trong một khu vực tái thiết sau chiến tranh. Chúng tôi không cần nhiều để thấy hạnh phúc, và chúng tôi không có nhiều thời gian trên trái đất để làm việc tốt. Vợ chồng chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi giữ Chúa Kitô tại trung tâm của gia đình mình để bất kì điều gì xảy ra vào năm 2021 và những năm sau này, chúng tôi có thể dâng tặng cho một thế giới bị tan vỡ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô bởi vì Ngài đã yêu chúng tôi trước (xem 1Ga 4,19).

Bạn không thể cho điều bạn không có. Vì thế hãy bảo đảm, trước mọi sự khác, bạn tìm được thời gian tĩnh lặng và tập trung vào tình yêu của Chúa Giêsu Kitô.

Nguồn: giaophanmytho.net

[1] Bobby Angel là thành viên  của chương trình Parish Life (đời sống giáo xứ) Jean Marie Lustiger tại học viện Word on Fire. Ông đã tám năm làm phụ trách khu vực trường trung học và giảng viên thần học, và có bằng thạc sĩ thần học ở Học viện Augustinô và cử nhân triết học ở chủng viện thánh Gioan Maria Vianney. Ông sống ở Texas với vợ, Jackie, và bốn người con.

[2] Trích từ ebook Catholicism after CoronavirusA Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 17-26.

[3] C. S. Lewis, The Collected Letters of C.S.  Lewis, vol. 3, Narnia, Cambridge, and Joy, 1950–1963, ed. Walter Hooper (New York: HarperCollins, 2007), 111.

[4] Pope Paul VI, Office of Readings: Second Reading, Thirteenth Sunday in Ordinary Time, Liturgy of the Hours, vol. 3, Ordinary Time, Weeks 1–17 (New York: Catholic Book Publishing Co., 1975), 418.

[5] Trích trong C.E.B. Cranfield, Epistle to the Romans 9–16 (New York: T&T Clark International, 2004), 688–689.

Check Also

3 THÓI QUEN CỦA CÁC THÁNH ĐỂ CHÚNG TA NOI THEO

3 THÓI QUEN CỦA CÁC THÁNH ĐỂ CHÚNG TA NOI THEO Tác giả: Theresa Civantos …