NGHĨA TÌNH TRI ÂN Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, sáng lập Tu Đoàn
Hôm nay là ngày “Giỗ 7 Năm” (18/08/2014 – 18/08/2021) của Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoàn, sáng lập Tu Đoàn.
Đây là ngày buồn nhất, và có thể nói một biến cố làm “bàng hoàng” nhất trong cuộc đời của nhiều người liên hệ, cách riêng với mọi thành viên trong 2 Tu Đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ.
Nhân dịp ngày giỗ của ngài, con muốn gởi lên một chút tâm tình “gia sản bác ái” của ngài để lại. Nếu nhắc đến tinh thần bác ái của ngài, thì anh chị em Tu Đoàn còn kém xa ngài nhiều lắm, đuổi kịp công trình bác ái của ngài để lại, thì còn xa cả ngàn cây số, phấn đấu giỏi lắm thì được 1/10 của ngài là may.
Nếu lượng giá và nhận định một cách khách quan trên nhiều bình diện, thiết nghĩ “tinh thần bác ái và phương cách làm bác ái”, “thế hệ vàng đầu tiên của ngài” đã và đang làm, xem ra còn rất khập khiễng.
Điểm đầu tiên con muốn nhắc tới, đó là lòng “say mê bác ái” của Đức Cha Phaolô. Ngài “say mê” đến nỗi lúc nào ngài cũng nghĩ về bác ái, gặp ai cũng nói về bác ái, kể chuyện về bác ái, luôn luôn sáng tạo trong bác ái và rất thích nghe về bác ái. Có một dịp ngài giảng Tĩnh Tâm Năm cho Qúi cha Giáo phận Xuân Lộc, ngài kể toàn chuyện châm cứu, heo bò tín dụng, nước tinh khiết ….mấy anh chị em Tu Đoàn đang phục vụ. Vui hơn nữa là trong ngày thuyết trình ngày Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam 2010, trong phần Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng, mỗi đại biểu chỉ được thuyết trình không quá 5 phút, nhưng chủ tọa lắc chuông 3 lần hết giờ, ngài vẫn xin phụ cấp thêm 3 phút vì giám mục nên ưu tiên, ngài cũng chỉ kể công việc bác ái đơn sơ hằng ngày. Trên đường về ngài con than “giá như họ cho mình nói thêm 10 phút nữa hay biết mấy “.
Với công tác tài xế và đánh máy các bài giảng cho ngài, con nhận thấy một điều, trong các bài chia sẻ của ngài từ việc gặp gỡ cá nhân, huấn đức, giảng lễ từ cấp Tu Đoàn cho tới cấp Giáo Phận, ngài đều hướng về bác ái. Ai gặp ngài, ngài đều nói về bác ái, kể chuyện về bác ái cả ngày mà không biết mệt. Cho nên có lần Cha Giuse Võ Công Tiến, Tổng đại diện Giáo phận Bà Rịa (con thiêng liêng), qua thăm ngài mà chờ mấy tiếng đồng hồ chỉ vì ngài bận tiếp một ông qua đường ghé vào kể chuyện cây Nha Đam trị bách bệnh. Cho nên cha Giuse Võ Công Tiến (anh Năm) nói vui với mấy em: “mấy đứa bay vào coi bố nói tới bài ca bác ái tới đâu rồi? Khi nào đến bài thứ 6 gọi anh một chút, có nghĩa là tới đó là gần kết thúc câu chuyện (1, châm cứu, 2 cây thuốc nam, 3 là heo tín dụng, 4 bò tình thương, 5 nước sạch cho đồng bào, 6 là mở giáo điểm, 7 là các em mồ côi, 8 dưỡng lão). Bài ca bác ái của ngài đôi lúc làm cho Qúi cha, Qúi Nữ tu Dòng kín cũng phải khó chịu trong các bài giảng lễ của ngài, vì đặc sủng của họ là “lao động và cầu nguyện”, nhưng Đức Cha thì cứ giảng về bác ái, mời gọi họ đi ra khỏi ranh giới của giáo xứ, nhà Dòng để tới vùng ngoại biên là những người vô gia cư, đồng bào dân tộc, vùng kinh tế mới, đến những người nghèo lương dân…khó chịu là phải lắm.
Một điểm rất dễ thương nơi ngài là con người lạc quan, luôn tin tưởng và phó thác. Cha Gioan Baotixita Etcharen kể về Đức Cha Hoan là con người lạc quan, sống trong thời chạy loạn, bom đạn bay sát đầu nhưng vẫn dẫn các em Cô Nhi và mọi người tiến về vùng đất hứa, di chuyển nhiều nơi để tìm nơi sinh sống ổn định nhưng không nản chí. Giường như trong mọi hoàn cảnh, ngài không phàn nàn, bi quan, không bàn lui. Đặc biệt lòng nhân ái của ngài khởi đi từ những việc rất nhỏ tầm thường trong cuộc sống (vào khoảng năm 1977 -1999, gắn bó với người linh mục đánh én, cùng với người dân trông lúa, đậu, ớt cay, trồng mía, nấu đường, sau này người ta còn gọi Giám mục bằng ông già nuôi heo). Nhưng trong mọi hoàn cảnh lúc nào ngài cũng tươi cười lạc quan, trong bối cảnh của những năm khó khăn, ông già cao niên nuôi hơn 200 người con, chúng ta thấy nỗi khó khăn như thế nào.
Một kinh nghiệm rất quý nơi ngài là phương pháp làm việc bác ái: Quan điểm của ngài là cho họ “con cá” khi cấp bách, nhưng vẫn luôn ưu tiên và tập trung làm việc bác ái bằng phương pháp cho họ cái “cần câu”, nghĩa là cấp vốn và tạo điều kiện, tham gia sáng kiến làm ăn lâu dài, giúp họ ý thức cộng tác, tham gia và liên đới trách nhiệm. Đặc biệt, ngài còn nhấn mạnh nếu cần cho luôn con người của mình (người dấn thân phục vụ phải tràn ngập tình yêu). Chúng ta thấy vẫn còn đó hình ảnh, bóng dáng và bước chân của người Linh mục, Giám mục bác ái, nơi các đồng bào dân tộc Gia Rai ở Suối Máu, và dân Tộc Mường vùng kinh tế mới Tân Hà, Hàm Tân, và các vùng khó khăn trên toàn tỉnh Bình Thuận, sẽ cảm nhận được điều đó, họ luôn xem Đức Cha Phaolô là “Bố”, họ luôn gọi bằng một câu hát rất thân thương “Bố Hoan”. Điều đáng khâm phục và kính nể nơi tôi khi làm tài xế cho ngài lúc ngài đang làm Giám mục Chánh Tòa, Gp. Phan Thiết là linh đạo Chúa Giêsu Rửa Chân, và khẩu hiệu “Tin mừng cho người nghèo khó” nằm lòng trên môi miệng, in sâu trong máu của ngài. Chúng ta thấy Logo Chúa Giêsu Rửa Chân được gắn khắp nơi trong phòng làm việc, phòng khách và nơi các công trình ngài để lại cho Tu Đoàn.
Điểm mấu chốt tạo nên diện mạo người mục tử đáng yêu và để lại gia sản bác ái trong mọi chiều kích cho Tu Đoàn sống lý tưởng đời dâng hiến và tinh thần làm việc bác ái là: “Chầu Thánh Thể mỗi ngày 30- 45 phút”nếu bỏ ngày nào điều đó chỉ xảy ra ngoài ý muốn và việc bất khả kháng. Hôm nay nhân ngày giỗ của ngài, con mạn phép tản mạn một chút về Tổ phụ, sáng lập Tu Đoàn, xem như một chút “Nghĩa tình tri ân” nhắc lại một chút để anh chị em 2 Tu Đoàn và những người liên hệ nhớ noi gương bắt chước gia sản tinh thần bác ái của ngài, mong mọi người không chê trách.
Xin hiệp thông với chúng con ngày mai trong Thánh lễ cầu nguyện cho Linh Hồn Đức Cha Phaolô, nếu ngài ở trên Nứơc Chúa thì xin bầu cử cho gia đình Tu Đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ chúng con, sống tinh thần bác ái như ngài để lại.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Thành
Nguồn: gpphanthiet.com