WHĐ (10.9.2021) – Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế Giới Những người Di dân và Tị nạn lần thứ 107 (27/09/2021), ngài nhắc lại lời ngài nói trong thông điệp Fratelli tutti bận tâm cũng là hi vọng đọng lại nhiều nhất nơi ngài hôm nay là “một khi khủng hoảng về sức khỏe thế giới qua đi, đáp trả xấu nhất của con người chúng ta có lẽ sẽ là lao đầu thậm chí sâu hơn vào sự tiêu thụ cuồng nhiệt và bảo tồn ích kỉ. Đàng sau mọi sự, Thiên Chúa muốn chúng ta không còn suy nghĩ theo lối nói gọi người anh em mình là “họ”, “chúng”, nhưng chỉ nói “chúng ta” (số 35). Vì thế, Đức Giáo hoàng đã chọn đề tài của sứ điệp cho Ngày Thế Giới những người Di dân và Tị nạn năm nay là: Hướng tới một cộng đồng “Chúng ta” ngày càng mở rộng hơn.
Sau đây xin giới thiệu suy tư của tiến sĩ Ann Rowlands:
_____
“CHÚNG TA” VƯƠN RỘNG RA CẢ NHÂN LOẠI
Tiến sĩ Ann Rowlands
“Thiên Chúa nói với những người đã mất đất tổ quê cha: Ta có những kế hoạch dự định cho các ngươi, kế hoạch vì hạnh phúc của các ngươi chứ không phải tai họa, cho một tương lai đầy hi vọng”. Đó là những lời một người tị nạn giải thích ông đã được nâng đỡ như thế nào trong suốt nhiều năm sống bấp bênh và bất định của số phận kẻ tị nạn. Những lời này đã giúp ông tiếp tục hi vọng trước những khó khăn tưởng không thể nào chịu nổi. Ông thấy đó là những lời ban phúc lành, lời hứa bảo đảm và tình yêu khích lệ, trong khi mọi sự trong mạng lưới cứu trợ mà ông cậy dựa nói lên điều ngược lại: người ta lãnh đạm, kết án, thù nghịch và chối bỏ. Khước từ tương lai với một ai đó là dập tắt niềm hi vọng của họ. Người bạn ấy giải thích rằng ông đọc Sách Thánh như một câu chuyện về lời hứa của Thiên Chúa, bắt đầu từ Tạo dựng và qua các thế hệ. Ông ấy nói với tôi rằng “Tất cả là hồng ân, vấn đề chính là lời hứa. Những gì chúng ta đáp lại lời hứa ấy phải tạo nên một gia nghiệp của tình yêu, dù chúng ta ở đâu và như thế nào đi nữa. Ngay cả trong hoàn cảnh cực kì khó khăn. Chúng ta được trao ban cho nhau là để chăm sóc lẫn nhau. Ông nhận thức được điều này khi bị giam giữ trong một trại nhập cư, lúc ông cảm thấy cô độc nhất. Ông nói khi đó ông mới biết thực sự tự do là gì. Đó là khả năng chúng ta tin vào một thế giới được tạo dựng có mục đích, mà cùng đích là chúng ta biết cho đi và nhận lãnh yêu thương trong một cộng đồng tha nhân. Đó là những lời diễn giải Kinh Thánh mạnh mẽ dù là của ai, nhưng đối với người này thì những lời đó không dễ dàng đạt được nhưng phải được chứng thực bằng trải nghiệm rất nhiều. Những lời này đã tiếp sức mạnh để ông sẵn sàng không chấp nhất những sự nhỏ nhen ti tiện, những nỗi nhục nhã, bị hất hủi của câu chuyện cuộc sống ông gặp phải, mà nhìn thấu tận chân trời sự thật cao cả hơn về con người và về Thiên Chúa. Trong cái thế giới không một nơi cư trú này, ông đã làm câu chuyện này thành chốn nương thân của mình.
Trong thông điệp cho Ngày Thế giới của Những Di dân và người Tị nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa chúng ta trở lại với thuở ban đầu của câu chuyện nhân loại, trở về nguồn cội của hành trình chung của nhân loại chúng ta. Thuở ban đầu, sự sống được trao ban như một ơn huệ và phúc lành, sự sống chúng ta được tạo nên và được ban cho, là sự sống cộng đồng – một cộng đồng có một giá trị nội tại và một mục đích tối hậu. Cái ‘chúng ta’ hay cộng đồng mà Thiên Chúa định liệu cho ta được hạnh phúc được tạo nên nhờ tình bạn thâm sâu, nhờ sự đồng hành tương trợ và tình đồng đội. Đó là mối quan hệ của tình bằng hữu, tình huynh đệ và quan tâm lo lắng cho nhau, phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải là nô lệ hay loại trừ. Thông điệp Fratelli tutti dạy rằng: luật của tình bạn này là luật đệ nhất, luật này vượt trên mọi luật khác. Đây là di sản của tình yêu mà người bạn tị nạn của tôi đã nói đến.
Đối với các Kitô hữu, biểu hiện cuối cùng của tình đồng đội (companionship) này được cử hành trong Thánh Thể – trong đó chúng ta là những kẻ-đồng-bàn, những người cùng bẻ hay cùng chia nhau một tấm bánh (com-panis), những người biểu lộ sự hiệp nhất nguyên ủy từ đó chúng ta xuất phát ra, và cùng đích nơi chúng ta phải đi về. Ở đây, tại bàn tiệc giữa những người bình đẳng này, câu chuyện nguyên thủy của cộng đồng ‘chúng ta’ thời tạo thiên lập địa được tưởng niệm, lại được đặt ở bên nhau, vượt trên các đổ vỡ và chia rẽ trong đời sống. Đây chính là câu chuyện và sự kiện các Kitô hữu được mời gọi làm nên nơi cư trú của mình.
Như thông điệp Fratelli tutti dạy, lời kêu gọi sống tình bằng hữu xã hội này – cộng đồng ‘chúng ta’ qua từng hành động nhỏ bé ngày càng vươn rộng ra lớn hơn mãi – là một truyền thống và di sản chung giữa các tôn giáo. Nhìn nhân loại như ‘tứ hải giai huynh đệ’, tất cả đều mang thân phận thụ tạo và cùng thuộc về một gia đình nhân loại chung, vượt trên những cũng ở trong các biên giới và quốc gia, là một câu chuyện có thể lôi kéo chúng ta trở lại với nhau. Chúng ta đang sống trong một thời đại hết sức cần một câu chuyện sống hướng đến mục đích và giá trị nhân văn, không chỉ biết có hưởng thụ, lựa chọn, hay những thứ vô-giá-trị. Cần phải thay thế nền văn hóa trong đó không ai thuộc về cái gì cả bằng một câu chuyện uy thế mọi người là anh chị em một nhà. Một câu chuyện khách quan ‘vì hạnh phúc, chứ không phải tai họa của chúng ta’.
Điều này đòi hỏi Hội Thánh không những sẵn sàng hành động để xây dựng những mạng lưới tương thân tương trợ, mà còn biết mở ra học hiểu sâu xa kinh nghiệm của những người di dân. Chúng ta phải học biết làm sao để mỗi ngày cái cộng đồng ‘chúng ta’ cùng nhau lớn lên thêm mãi.
Trong thông điệp này Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng việc khó nhất không phải là biết làm thế nào để sống như một con người cá biệt, nhưng là hiểu biết được giá trị độc đáo của mỗi nhân vị được tiền định để sống như thành phần của một dân. Những hình ảnh ẩn dụ về tính cách thành viên (của một cộng đồng) trong Kinh Thánh và truyền thống Hội Thánh dạy ta rất nhiều: chúng ta được mời gọi trở nên một dân, một thành đô, một cộng đồng, một gia đình, một thân thể. Đó là những từ ngữ ẩn dụ chúng ta dùng để nói về việc những cái ‘tôi’ trở nên một ‘chúng ta’ chứ không chỉ là những cái ‘tôi’ cá biệt. Trong thế giới – và trong mỗi thế hệ – ngày nay chúng ta đối diện với một cuộc khủng hoảng về tư cách sâu xa tôi là thành viên của Cái gì, tôi thuộc về Ai, các thân thể, thành đô, gia đình, cộng đồng bị đổ vỡ.
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là: ơn cứu thoát này luôn là một câu chuyện về tư cách thành viên (membership) và sự thuộc về (belonging), đó là câu chuyện về một ‘chúng ta’. Tôi được cứu thoát chỉ khi tôi là thành viên, thuộc về một Ai đó lớn lao hơn vô cùng. Nếu Đức Kitô đến để cải tạo thế giới vốn đã được Chúa Cha tạo dựng trong tình yêu, thì chúng ta phải đáp lại bằng cách đảm nhận lấy công trình hòa giải và chữa lành mà Người đã đặt trước mặt chúng ta. Làm như thế là chúng ta học biết an cư thư thái trong câu chuyện cứu độ của chúng ta, và chúng ta trao hiến ngôi nhà thân thương này làm nơi cư trú cho một thế giới đã bị đổ vỡ.
Bản dịch Việt ngữ của Antôn Uông Đại Bằng – Louis Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: hdgmvietnam.com