THÁNH THIÊNG VÀ PHÀM TỤC
Vài nhận định
*
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
Giáo phận Phan Thiết
Phát biểu của bà P.H bị nhiều người phê phán là: bà đã dùng một câu chuyện hài phàm tục để xúc phạm đế một trong những điều thánh thiêng của Đạo Công Giáo.
Nhân câu chuyện “nóng” nầy, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem thánh thiêng và phàm tục có nghĩa là gì?và đưa ra một vài nhận định.
I.THÁNH THIÊNG
Thánh:
Từ “Thánh”[1] trong Kinh Thánh có nghĩa là được tách riêng ra khỏi điều ô uế, từ này bắt nguồn từ chữ tách biệt trong tiếng Híp-ri là qôdèsh[2], chứ không phải là mang ý nghĩa “thần thánh hay tốt lành, hoàn hảo” như thường được hiểu.
Thánh với ý nghĩa tách biệt còn được dùng cho những vật dụng không dùng cho những việc tầm thường, nhưng được tách biệt, dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, chẳng hạn như: nơi thánh[3], lễ thánh[4] dân thánh[5], chén thánh, cung thánh, khăn thánh, bàn thánh…
Thiên Chúa được xưng tụng là Đấng Thánh, vì Người là Đấng thanh khiết, bất khả thấu đạt[6], tách biệt ra khỏi vật chất trần tục, ô uế; là Đấng quyền năng, đáng kính sợ nhưng đầy lòng yêu thương và tha thứ[7]. Phụng Vụ ca ngợi Thiên Chúa là Đấng Ba Lần Thánh[8], với ý nghĩa tuyệt đối.
Từ ý nghĩa chính yếu trên, phát sinh ra chữ thánh với ý nghĩa là hoàn hảo, số một, không gì bằng. Từ thánh với ý nghĩa này hay dùng trong tôn giáo. Vì được Thiên Chúa thông ban sự hoàn hảo của Người, hoặc có liên quan đến Người, nên một số các tạo vật cũng được gọi là thánh: các thiên thần[9], các ngôn sứ[10], những người được tuyển chọn[11], Lề luật[12], Kinh Thánh[13]. Ngày nay, tĩnh từ nầy bị người ta lạm dụng[14] vào những diễn tả phàm tục.
Thiêng (Thánh thiêng, thiêng liêng):
Thiêng có nghĩa là có phép lạ như của thần linh,bí nhiệm, đáng kính sợ[15].
Thiêng liêng, Thánh thiêng có nghĩa là cao quý nhất, rất đáng tôn thờ, kính trọng, cần được giữ gìn[16].
Như vậy,Thánh Thiêng trong Đạo có nghĩa chung thường dùng là: Điều cao quý, tốt đẹp, đáng tôn trọng thuộc về Thiên Chúa, tách biệt ra khỏi những thực tại trần thế, con người. Bí tích Giải Tội trong Đạo là một điều bí nhiệm cao cả, rất tốt đẹp mà Thiên Chúa ban cho, được gọi là thánh thiềng. Vì thế phải được mọi người tín hữu kính trọng, bảo vệ giữ gìn.
II.PHÀM TỤC[17]
Phàm (tĩnh từ): tầm thường, không thanh cao, ăn nói nhiều, thô tục.
Tục (tĩnh từ) cũng có nghĩa gần như vậy là: tầm thường, thô thiển, không tinh tế. [18].
Phàm tục có nghĩa là tầm thường, không có gì là cao siêu, thuộc cõi đời bình thường, còn có nghĩa là ô uế, thô thiễn.
Câu chuyện trích dẫn để nói về bí tích giải tội được gọi là phàm tục, thô tục vì là câu chuyện không có thật, diễn tả bằng ngôn từ thô bỉ, tục tĩu. Vì thế mà bị coi là xúc phạm, báng bổ. Tất nhiên là câu chuyện phàm tục ấy không làm cho bí tích Giải Tội trong Đạo thành xấu, suy suyển đi tính cao cả thánh thiêng, nhưng xúc phạm đến niềm tin, sự quý trọng của tín đồ. Mọi người có tự do trong niềm tin mà người khác phải tôn trọng.
III. NHẬN ĐỊNH
Nhân bàn về “Thánh Thiêng và phàm tục” qua câu chuyện thời sự vừa qua, chúng tôi mạo muội đưa ra một vài nhận xét xây dựng sau đây:
Dân Chúa rất dị ứng khi bị người khác xúc phạm đến những điều thánh thiêng trong Đạo của mình. Rất nhiều và ngay lập tức những phản biện, phê bình, kết án, ở trong cũng như ngoài nước về “câu chuyện và phát biểu” của bà PH liên quan đến Bí tích Giải Tội. Đây là phản ứng nhiệt tình nói lên lòng tin yêu, sự tôn trọng những giá trị thiêng liêng cao cả đã được truyền thống Giáo Hội đón nhận từ nơi Chúa và gìn giữ từ bao đời.
Ước mong là Dân Chúa cũng nhanh nhạy dị ứng với những sự việc có tính cách phàm tục, làm mất đi sự thánh thiêng cao cả trong việc thực hành Đạo của chính mình. Chúng ta nêu lên một số điều để cùng nhau sửa đổi. Những điều nầy là những điều thật mà nhiều người nghe và thấy:
1/Cung Thánh và nhà thờ:
Là không gian và là nơi tách biệt trong nhà thờ, để dành riêng cho việc tế lễ. Cung thánh bây giờ không được như cung thánh của đền thờ Giêrusalem của người Do Thái, nhưng vẫn là nơi rất đáng tôn trọng và giữ gìn. Giữ gìn sạch sẽ, trật tự, không trang trí loè loẹt. Nhất là không coi đó như một loại sân khấu để trình diễn. Vì hoàn cảnh và khả năng, một số nơi đã tổ chức những màn múa nhảy trên cung thánh. Diễn viên đa số là các em thiếu nữ ăn mặc “kiểu văn nghệ”, khi dâng lễ vật hoặc để cám ơn các đại quan khách trong các dịp lễ đặc biệt. Quan khách ngồi quay lưng lại với Bàn Thờ, với Mình Thánh Chúa; các vũ công cũng múa máy quay lưng vào bàn thờ, giáo dân ở dưới vui vẻ vỗ tay tán thưởng. Rồi những buổi đại hội, cũng lấy nhà thờ làm không gian sinh hoạt: người điều khiển đứng trên cung thánh điều khiển những trò chơi tập thể với những cử điệu nhún nhảy lắc lư…Khó coi quá! Cung thánh, nhà thờ sẽ bị coi thường, nhất là đối với giới trẻ. Những cử điệu trang trọng, tôn kính trong y phục đoan trang, đi kèm với bài thánh ca khi dâng lễ, tạ ơn Chúa là điều thích hợp, đáng khích lệ.
2/ Bài giảng lễ[19]:
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCTQ) số 41 hướng dẫn: “Bài diễn giảng là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Bài nầy phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Kinh Thánh, hoặc một bản văn khác thuộc phần chung hay phần riêng của thánh lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính thờ…”
Như vậy: bài giảng là thành phần của Phụng vụ Lời Chúa. Thừa tác viên giảng lễ phải dựa vào bài đọc thánh kinh, đặc biệt bài Tin Mừng, để diễn giải Lời Chúa, giúp cộng đoàn hấp thụ của ăn Lời Chúa và đem Lời đó áp dụng vào cuộc sống cũng như hoạt động của mình. Do đó:
-một bài gỉảng lễ dài dòng, không căn cứ vào các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe, là bài giảng lễ đi trật hướng Phụng Vụ;
-một bài giảng lễ mở đầu bằng một bài thơ, một câu hát, một cầu chuyện thần thoại hoặc của một tôn giáo khác…rồi dẫn giải Lời Chúa theo đó, hoặc lấy những tư tưởng đó làm thước đo để xác minh Lời Chúa là đúng, là thích hợp, thì đó là hạ thấp Lời Chúa, xúc phạm và làm việc không công cho người ta! Chúa Giêsu khi rao giảng đã dùng các câu chuyện đủ loại để giúp dân chúng dễ hiểu, dễ đón nhận giáo lý, nhưng là những sự kiện có thật trong đời sống thường ngày và Người mặc cho nó ý nghĩa muốn diễn tả[20]. Đừng làm phí thời gian thánh của một Thánh Lễ bằng một câu chuyện cười vô bổ, không thích hợp.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Bài Giáo Huấn ngày Chúa nhật 5/9/2021 nhắc nhở rằng: “Người công giáo xứng đáng hưởng những bài giảng hay hơn” và trích năm lời khuyên của linh mục Jim McDermott để bài giảng được hay hơn, trong đó:
Lời khuyên 1– “Hãy ngắn gọn, vững mạnh,cuốn hút”.
Cuốn hút có nghĩa là có chất lượng, đã cảm nghiệm Lời Chúa bằng tìm hiểu, suy gẫm, xác tín, để làm thành món ăn bồi bổ tâm linh cho người nghe mang theo vào cuộc sống của họ.
Lời khuyên 3– “Đừng ngại dùng đến hài hước”.
Hài hước đây không phải là nói đùa vô duyên, kể những chuyện hài làm người nghe cười té ghế , nhưng là linh hoạt vui tươi, có lửa trong diễn tả, điệu bộ và dùng những kiểu nói dí dỏm làm tươi mới Lời Chúa, lôi kéo thính giả hướng về Lời Chúa. Đức Thánh Cha nói về bài giảng buồn thảm: “…Khi bạn nghe một trong những bài giảng nầy, bạn có cảm tưởng như nhà thờ đang chầm chậm tan thành cát bụi chung quanh bạn”.
Lời khuyên 4 – “Đừng đổ lỗi cho Chúa Thánh Thần vì bạn thiếu chuẩn bị”.
ĐTC nói: “ Nhưng một điều khá đúng với đa số chúng tôi, là nếu chúng tôi không chuẩn bị bài giảng trước, thì bài giảng có thể sẽ dài, lặp đi lặp lại hoặc đơn giản là trống rỗng”.
Chúng ta có cả một kho tàng tích chuyện đủ mọi loại trong Kinh Thánh, trong Hạnh Các Thánh, trong đời sống thực, tại sao không tận dụng?
3/ Thái độ khi tham dự Nghi lễ Phụng Vụ:
Phụng Vụ là việc thờ phượng thánh dâng lên Thiên Chúa, đặc biệt là Thánh Lễ. Chúng ta đến với Chúa để tin yêu, thờ phượng, ca ngợi và cảm tạ Người. Do đó, tâm tình phải đi đôi, phải xứng hợp với cung cách bên ngoài:
*Y phục – Y phục xứng kỳ đức, nghĩa là ăn mặc phải đứng đắn và phù hợp với từng trường hợp, hoàn cảnh. Đến dâng lễ với quần bò, quần dzin, áo thun sặc sỡ hình các nhân vật, các con thú ngầu, ghi tiếng nước ngoài tục tĩu[21] là không nên, tỏ vẻ coi thường những nghi lễ thánh thiêng. Chủ trương “mát mẻ vài tập” nên mặc quá ngắn, tiết kiệm vải. Mặc như vậy chỉ phù hợp với đám cưới, các cuộc vui chơi, chứ không phải là để đi làm việc thờ phượng. Ăn mặc chỉ để phô trương quần áo hoặc cơ thể và làm chia trí nhiều người trong giờ phụng vụ là xúc phạm. Nết na, kín đáo, đó là nét đẹp của người nữ Á Đông.
*Cung cách – Nhờ tham dự phụng vụ của Hội Thánh, chúng ta dễ dàng cầu nguyện, kết hợp với Chúa và lời cầu nguyện chung với cộng đoàn dễ được Chúa nhậm lời[22]. Thế mà khi đến dự lễ, có người không muốn vào nhà thờ, tìm chỗ mát mẻ ở ngoài, hút thuốc, nói chuyện, xem tin nhắn hoặc nghe điện thoại, về sớm khi chưa kết thúc. Cung cách đó không phải của người tín hữu đích thực và là một cách giả hình, báng bổ.
4/ Chuyện vui nhà đạo:
Các câu chuyện gọi là chuyện vui nhà đạo thường được kể trong những buổi hội họp, sinh hoạt hội đoàn; được đưa lên các trang mạng; được đăng vào phần cuối của các tập san liên lạc thông tin của các giới, các đoàn thể, có khi của giáo phận. Các câu chuyện hài nầy hầu như là sản phẩm của giới giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân…được sáng tác hay góp nhặt từ khắp nơi để làm cho tờ báo vui tươi, sinh động. Nó được cảm hứng từ các bí tích, các câu kinh trong phụng vụ, từ các bài giáo lý, từ cách xử sự của các linh mục, tu sĩ, giáo dân. Có những câu chuyện vui vô hại, nhưng cũng có những câu chuyện châm biếm, lời thanh ý tục. Những câu chuyện nầy có thể chấp nhận được khi được kể cho thính giả thuộc giới nào đó được lựa chọn hoặc cho các độc giả có ý thức, trưởng thành. Nhưng khi được kể chung cho mọi giới hoặc khi những người không thích đạo đọc những câu chuyện nầy sẽ thêm bớt các từ ngữ làm cho câu chuyện biến thể thành chuyện xấu, báng bổ, giống như câu chuyện “xe đạp” của bà P.H. Nói chung thì phải hết sức thận trọng khi phổ biến những chuyện vui nhà đạo, vì chúng có thể làm giáo dân hiểu sai hoặc coi thường những việc thánh thiêng hoặc những người đã được thánh hiến.
Nhân bàn về thánh thiêng và phàm tục, chúng tôi cũng ghi lại một số nhận định có liên quan, không phải tưởng tượng nhưng “nhiều tai nghe nhiều mắt thấy”; không có ý phê phán, kết án chỗ này chỗ nọ, nhưng để các bạn và cả chúng tôi nữa, là những người trong cuộc, nhìn lại chính mình, nhận thấy còn có những điều chưa được, để mỗi người cố gắng hơn. Tại sao chúng ta nhạy bén, dị ứng với những chuyện người ta nói đến mình, đến cha mẹ mình mà lại không có chút phản ứng nào với những chuyện không phù hợp với Chúa, với Hội Thánh của mình, mà chúng ta đang thể hiện hằng ngày?
Trong bài viết còn có nhiều thiếu sót, xin được bổ khuyết, và nếu có gì vô tình làm bạn không hài lòng, xin thông cảm và bỏ qua.
(Vinh An, 8/9/2021)
[1] Bài viết nầy không đề cập đến các nhân vật trổi vượt được Giáo Hội tuyên phong.
[2] Từ ngữ Hilạp là hagios (saint) khác với ý niệm của từ hieros (sacré). Từ hieros cũng được dịch là thánh, nhưng với ý nghĩa là một nơi, một người, một đồ vật được tách ra khỏi thế giới phàm trần để phục vụ cho thần linh và vì thế có liên hệ với thần linh (x.Xavier Léon-Dufour, Dictionnaire du Nouveau Testanent, Chữ Sacré).
[3] Xh 3,2-5.
[4] Lv 23,37.
[5] X. 1P 9-10: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn…là dân thánh, dân riêng của Chúa….Người là Đấng đã gọi anh em…nay anh em là Dân của Thiên Chúa”.
[6] Inaccessible.
[7] Hs 11,9.
[8] Con số 3 trong Kinh Thánh có nghĩa là hết cỡ, hoàn toàn. X. VTB chữ Saint.
[9] Mc 8,38; Cv 10,22.
[10]Lc 1,70.
[11] Lv 19,2.
[12] Rm 7,12.
[13] Rm 1,2.
[14] Ví dụ: thánh nữ, dùng chỉ cô gái có cơ thể đẹp hơn những người khác; thánh chửi, người vô địch trong việc gửi bới người khác…
[15] Nghĩa đời thường là: linh nghiệm, linh, rất đúng, rất hiệu nghiệm (ví dụ: lời anh ta nói thiêng thật).
[16] X.Từ điển VN.
[17] Tiếng latinh là profanum. Pro: ngoài, fanum: đền thờ. Theo quan niệm xưa: đền thờ được coi là nơi thánh; ngoài phạm vi đền thờ thì bị coi là thế gian, phàm tục. x. Xavier Léon-Dufour, chữ Sacré.
[18] X.Tự điển VN.
[19]X. QCTQ số 41. Bài giảng lễ: Homélie (giảng trong thánh lễ) –Bài thuyết giảng :sermon (giảng trong các buổi hội họp, tĩnh tâm cho thính giả chọn lựa, như giới Gia Trưởng, Bà Mẹ …).X.Théo, L’Encyclopédie catholique pour tous, NXB Droguet&Ardant, Fayard chữ Homélie, được hiểu như sau: “ De nos jours, le mot homélie désigne très présicément le commentaire,fait au cours de la messe, des textes d’Écriture qui y ont été lus;il a remplacé le mot sermon en raison même de l’insistance mise depuis le Concile de Vatican II sur la place de l’Écriture sainte, et en particulier de l’Évangile, dans la célébration”.
[20] X. VTB hoặc Xavier Léon-Dufour, Dictionnaire du Nouveau-Testament, chữ Parabole.
[21] Hiện nay có nhiều áo quần, nhất là áo thun gửi từ nước ngoài hoặc mua hàng bụi. Trên áo vẽ hình ngáo nổ, viết những câu tục tĩu bằng tiếng nước ngoài. Các bạn trẻ không hiểu nên cứ vui vẻ mặc khi đi dự lễ. Nhìn những áo quần nầy, người ta đánh giá tư cách và trình độ của chúng ta. Vì thế phải lưu ý.
[22] X.Mt 18,19-20.
Nguồn: gpphanthiet.com