Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Tin giáo phận / Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phan Thiết Tĩnh Tâm và Mừng Bổn Mạng Đức Cha Tôma

Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phan Thiết Tĩnh Tâm và Mừng Bổn Mạng Đức Cha Tôma

Sáng nay ngày 2.7.2019, Linh mục đoàn Giáo phận tề tựu về Tòa Giám mục tham dự buổi tĩnh tâm và mừng Bổn mạng Đức cha Tôma.

Lúc 8g30, Đức cha, quý cha, quý phó tế vào Nhà nguyện hòa chung tâm tình đạo đức: lần chuỗi Năm Sự Vui, giờ Chầu Thánh Thể, và anh em xét mình xưng tội.

Cha Antôn Lê Minh Tuấn, hạt trưởng Hàm tân suy niệm giờ chầu từ bài Tin Mừng Mt 8,23-27, Thứ ba tuần 13 Thường niên.

   Lạy Chúa Giêsu Thánh thể!

Quê Hương Việt Nam chúng con đã và đang ở trong mùa mưa. Mưa cần cho cuộc đời, cho sự sống, cho nhiều công trình thiên nhiên cũng như con người.
Nhưng mưa cũng mang theo nhiều rủi ro, bất lợi. Bình thường mưa hiền hòa, mưa dễ chịu. Nhưng cũng có biết bao lần mưa giận dữ, làm cho con người sợ hãi, khổ đau, …
Bất giác con nghĩ tới những cơn bão sát hại đồng bào, tàn phá quê hương, gây đau đớn cho mọi con người và cho đất nước. Con lại thấy khiếp sợ mùa mưa, bởi mùa mưa, cũng là mùa bão.

Không ai thích bão. Không ai không muốn xua đuổi bão. Nhưng sự cuồng nộ của nó vẫn là điều khó tránh. Mùa mưa năm nào cũng có bão. Vẫn như một sức mạnh lồng lộn của quỷ dữ: bão khi đến và khi đi để lại những chết chóc, tàn phá, đau đớn, mất mát, kinh hoàng, làm tổn thương tinh thần và thể xác.

Bão ngoài đời đã khổ, bão trong lòng cũng khổ không kém. Nếu bão tố trong đời không thể tránh, thì bão tố trong lòng cũng là một sự thật, hình như không ai làm người mà không chạm trán nó. Sóng gió ập đến trong lòng qua nhiều lối. Nó được tạo nên từ những sóng gió trong đời gia đình, đời tận hiến tu sĩ linh mục, sóng gió trong những mối quan hệ, sóng gió trong lãnh vực tiền bạc, sóng gió trong lãnh vực tình cảm, sóng gió do ganh ghét, hận thù, …

Ngày xưa các môn đệ của Chúa gặp phải bão tố trên biển, thì ngay lập tức, lòng họ cũng dậy lên cơn bão của sự sợ hãi. Với lời than thở đáng thương: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi”, cho thấy sự rối bời, lòng hoang mang, nỗi lo âu trong tâm hồn các môn đệ thật lớn.

Bão trong đời và bão trong lòng, dù không ai muốn, nó vẫn cứ như người bạn tình nguyện đến với ta. Dù sợ hãi, ta vẫn không thể lẫn tránh, …

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể!

Đời linh mục chúng con cũng có rất nhiều sóng gió. Hôm nay chúng con muốn thân thưa với Chúa 3 điều:

  1. Điều thứ I: sóng gió đối với bản thân mỗi linh mục:

Đôi lúc chúng con nghĩ rằng, bão trong lòng không hoàn toàn vô ích. Nếu chỉ sống một cuộc đời bình yên, phẳng lặng, người linh mục chỉ sống bình thường, chỉ phản ứng bình thường. Bởi nếu chỉ có mùa xuân, mọi sự chẳng có gì đáng nói. Nhờ cái rét của đông, cái nóng của hạ, cái ẩm ướt của thu, người ta mới thấy được giá trị ngọt ngào của mùa xuân.
Theo nghĩa ấy, bất hạnh đôn thêm giá trị của hạnh phúc. Bão tố trong lòng, sẽ cho người linh mục niềm yêu mến thật lớn lao, thật chan chứa đối với những ngày bình an.
Nếu được bước ra từ bão tố để đến sự bình an, linh mục càng trưởng thành hơn. Bởi bất kỳ một chuyện bất thường nào xảy ra trong đời sống linh mục, và cách phản ứng trước những bất thường ấy, sẽ giúp linh mục nhận biết mình. Khi lâm vào sóng gió, sóng càng to, gió càng lớn, linh mục càng dễ khám phá con người thật của mình hơn. Gian lao nào cũng cho linh mục bài học, sự trải nghiệm, ý chí, sức sống, và lòng khát khao vươn tới, …
Vì thế, ai trong chúng con cũng từng bước ra từ bão tố. Xin Chúa giúp chúng con ba đừng:

  • Đừng coi thường giây phút hiện tại.
  • Đừng xử dụng những khoảnh khắc bình an một cách thiếu trách nhiệm
  • Đừng liều thân cho những tư duy chưa chín chắn.
  1. Điều thứ II: sóng gió khi linh mục đối diện với cuộc sống:

Sóng gió trong đời sẽ giúp linh mục thấm thía giá trị của đời tận hiến. Nhờ đó, con càng sâu sắc trong từng nếp nghĩ, nếp thể hiện với cuộc sống. Con cũng sẽ yêu mến cuộc sống, mến yêu những gì đang có trong tương quan với cuộc sống ấy.
Những ngày giông bão sẽ cho con niềm cảm thông khi đứng trước nỗi đau của đồng loại. Kinh nghiệm từng trải trong sóng gió sẽ giúp con quý yêu cuộc sống; quý yêu giáo dân; quý yêu niềm nhân nghĩa mỗi khi được trao đi hay nhận lại; quý yêu thật nhiều những nếm cảm tình thân nghĩa thiết; hay sự chân thật, sự mặn mà của những con người luôn biết sống thật và chỉ luôn trao cho nhau sự chân thật ấy, …
Bão tố nơi lòng mình có thể dạy cho con bài học nhân ái. Vì phải vươn lên từ đau khổ, ta sẽ dễ chạnh lòng trước đau thương, mất mát của người bên cạnh. Lòng bác ái yêu thương sẽ đưa con đến gần giáo dân hơn, cho con nhiều nét đẹp của hy sinh, của cho đi, quý trọng san sẻ, quý trọng tình người, …
Bão tố nơi lòng mình sẽ dạy con nghĩ đến giáo dân, nghĩ đến con người, nghĩ đến tự do cho người bị khinh miệt, bị chà đạp quyền sống, quyền làm người.

  1. Điều thứ III: Gặp sóng gió, không thể không cầu nguyện.

“Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi”. Đây là lời “gọi” và cũng là lời “trách” Chúa. Ở đây, chúng con nhận thấy đó là một lời kêu cứu, một lời van xin, một ý nguyện cầu.
Cầu nguyện trong cơn sóng gió để vững đức tin. Chúa đòi các môn đệ của Chúa phải tin. Những lúc khó khăn nhất, những lúc bị vùi dập nhất, đức tin được gọi về để củng cố lòng can đảm, tăng sức mạnh để đối đầu, tăng sức chịu đựng để vượt qua là điều hết sức cần thiết cho chúng con, những người muốn mãi trung thành theo Chúa.
Cầu nguyện nâng đỡ lòng mến và giúp con gắn bó với Chúa hơn. Thường khi đối mặt với đau khổ, nếu là người có thói quen cầu nguyện, người có lòng mến Chúa, con sẽ cầu nguyện tha thiết hơn, sốt sắng hơn.
Chính trong tiếng khóc của người đau khổ biết cậy dựa vào Chúa, con sẽ can đảm đối đầu với đau khổ. Thánh Vịnh là lời cầu nguyện cần thiết. Nó giúp con mặc lấy chính nguồn mặc khải của Chúa mà kêu cầu Chúa. Chính thánh Giacôbê cũng khuyên hãy dùng Thánh Vịnh mà cầu nguyện: “Ai trong anh em đau khổ, người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ, người ấy hãy hát Thánh Vịnh”.

Lạy Chúa! bão tố, dù trong đời hay trong lòng, không ai muốn. Tuy nhiên, bão tố trong lòng, nếu biết sử dụng, nó có thể cho con lợi ích khả dĩ.

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể!
“Thầy ơi, chúng con chết mất”
Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba đào.
Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu. Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự ủi an, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha thiết dâng lên Đấng Tối Cao: “xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.
Cũng vậy cuộc đời linh mục vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi, tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng con hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa. Hãy đưa tay để Chúa dìu đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời đâu mấy khi bình yên.
Đôi lúc lòng tin của chúng con đang như ngọn đèn trước gió. Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng con. Lòng tin luôn bị vùi dập dưới sóng gió của nghi ngờ. nghi ngờ nhiều hơn trông cậy. Georges Bernanos đã nói: “ Tin là nghi ngờ 24 giờ trong một ngày chỉ trừ một phút cậy trông”. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói với người yêu cảu cô: nếu phải cách xa anh. Em chỉ còn bão tố. Con sẽ không bắt chước thánh Phêrô xin Chúa hãy tránh xa con, nhưng xin Chúa luôn hiện diện, bởi vì: nếu phải cách xa Chúa, đời con, lòng tin của con cũng chỉ là bão giông và sóng gió. Amen.

***

Đến 10giờ, cha Tổng đại diện, thay mặt Linh mục đoàn chúc mừng Quan Thầy Đức cha.

Sau đó Đức Cha Tôma ban huấn từ và những thông báo về mục vụ trong giáo phận.

Tiếp đến, các Giáo Hạt sinh hoạt mục vụ riêng.

Lúc 11g00, bữa tiệc mừng đầm ấm tình huynh đệ.

Ban truyền thông

Nguon: GP PhanThiet

 

Check Also

Thư kêu gọi hướng về Lagi thân thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *