1- Đạo Công giáo với văn hóa Việt
Điều trước tiên là đạo Công giáo trở thành cầu nối giao lưu giữa văn hóa phương đông và phương tây. Thông qua các nhà truyền giáo, văn minh, văn hóa phương tây được giới thiệu ở Việt Nam và văn hóa Việt cũng được giới thiệu ở phương tây. Từ chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót, cách in chữ bằng con chữ đúc rời, đến phương pháp chữa bệnh theo lối tây y. Từ các tranh tượng đạo thời Phục Hưng, các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới đến chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ đã làm cho chúng ta tự cường hơn và dễ hội nhập với thế giới ngày nay. Cũng thông qua các nhà truyền giáo, lần đầu tiên thế giới phương tây biết đến chữ viết, phong tục tập quán của Việt Nam khi bộ sách của Alexandre de Rhodes gồm “ Phép giảng tám ngày”, “ Từ điển Việt Bồ La”, “ Ngữ pháp tiếng Việt” được xuất bản ở phương tây từ giữa thế kỷ XVII. Điều đặc biệt, khi đến từ phương tây nhưng nhiều giáo sĩ lại tôn trọng và đề cao văn hóa, phong tục của người Việt. Bulzomi, người Ý đã nhận xét: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục… Họ không nghiêng về văn chương, tính tình không nham hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật. Về tầm thước họ không cao như người Tàu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu” (1). Một số giáo sĩ cũng kịch liệt chống lại quan niệm cho rằng: ngoài châu Âu là man di mọi rợ hay Trung Quốc là tất cả những gì đẹp đẽ nhất trái đất. Đắc Lộ viết: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (2).
Đạo Công giáo không chỉ mang đến cho Việt Nam một tôn giáo mới với nhiều lễ hội quanh năm, với cả một kho tàng văn học nghệ thuật, báo chí Công giáo làm phong phú thêm văn hóa nước nhà. Chỉ nói riêng những ghi chép của các giáo sĩ thuở xưa đã là căn cứ tư liệu lịch sử làm bằng chứng về chủ quyền biển đảo nước ta hiện nay nhất là chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì trong số các nhà truyền giáo, họ vốn là những nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực nên đi đến đâu, họ ghi chép, vẽ bản đồ đến đấy. Giáo sĩ Christoforo Bulzomi là người đặt chân đến cửa Hội An năm 1615 đã viết: “ Hải cảng đẹp nhất, nơi mà tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ, danh thắng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam… Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập một thành phố chuyên cho việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo tức là Hội An” (3).
Giám mục người Pháp là Louis Taberd trong cuốn “ Lịch sử thế giới- các dân tộc, tôn giáo và phong tục, tập quán của họ” xuất bản ở Paris năm 1853 đã ghi lại: “Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng ( Hòang Sa) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những hòn đá nhô lên. Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xưa ở Đàng Trong…Có điều chúng tôi biết chắc chắn là hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để chiếm các đóa hoa lạ đó cài lên vương miện của ngài, vì vậy mà ngài xét thấy đã đến lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng Sa vào năm 1816. Ngài đã trịnh trọng cắm lá cờ đỏ, lá cờ của xứ Đàng Trong”. 16 năm sau, giám mục L. Taberd đã xác nhận lại những ghi chép trên trong một bài báo công bố ở Ấn Độ năm 1869 bằng tiếng Anh: “Năm 1816, vua Gia Long đã tới và long trọng cắm cờ quốc gia của ông và khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này và hình như không một ai tranh giành với ông”.
Bên cạnh các ghi chép trên là những bản đồ cổ do các giáo sĩ vẽ lại cũng là những tư liệu quan trọng. Bản đồ cổ có giá trị nhất là “An Nam đại quốc họa đồ” do giám mục Louis Taberd xuất bản ở Ấn Độ năm 1838, được in trong cuốn từ điển “Nam Việt tự vị” khổ 40x80cm trong đó có ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ảnh trên). Bản đồ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng có ghi đảo Pulosisi trùng với Hoàng Sa hiện nay. Hay bản đồ của giáo sĩ người Hà Lan “Việt Nam với Đàng Ngoài – Đàng Trong và Biển Đông với quần đảo Pracel” in trong Carte de L’Indochine 1658- 1659 cũng khẳng định điều đó.
Trên đây đã nói về dấu ấn của đạo Công giáo với văn hóa Việt, ngược lại văn hóa Việt cũng góp phần biến đổi một tôn giáo xa lạ như đạo Công giáo trở thành gần gũi với dân tộc Việt Nam.
Có thể kể ra nhiều ảnh hưởng của văn hóa dân tộc với đạo Công giáo. Từ chỗ làm thay đổi thái độ của đạo Công giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống cũng như tôn giáo bạn, thúc đẩy tiến trình Việt hóa đội ngũ chức sắc, đến việc đẩy mạnh con đường đồng hành cùng dân tộc của đạo Công giáo. Chỉ nói riêng vấn đề Phụng vụ cũng cho thấy sự thay đổi này.
Phụng vụ (Liturgie) là việc giáo hội thực thi chức tư tế bao gồm thánh lễ, các bí tích, kinh nguyện, ca hát lễ xướng và các loại hình nghệ thuật Công giáo.
Trước đây, Phụng vụ dùng tiếng Latinh nên rất khó phổ biến cho người bản xứ. Khi người Việt dùng chữ Nôm, các giáo sĩ đã soạn sách đạo bằng chữ Nôm. Cuốn giáo lý đầu tiên được linh mục Pina soạn bằng chữ Nôm ấn hành năm 1620. Người để lại kho tàng chữ Nôm đồ sộ đến ngày nay là Majoria (1591-1631) với 45 cuốn khoảng hơn 1,2 triệu chữ. Một số lại dùng thơ ca truyền thống để ghi lại sự tích trong Kinh thánh như công nương Catarina, linh mục Louis Đoan (1613-1678). Ngay ở khu vực dân tộc thiểu số, sách đạo cũng được chú ý. Năm 1861, linh mục Henri Azema đã làm sách giáo lý cho người Xtiêng. Những năm 1865-1870 linh mục Comber đã dịch kinh bổn sang tiếng Banar. Linh mục Janin cũng dịch Cựu ước sang tiếng Banar đầu thế kỷ XX. Bộ sách Hlabar Pơđok tức đại cương thần học, trong đó có bàn đến phong tục tập quán của người Banar được phát hành năm 1925. Nhóm linh mục Trần Sĩ Tín cũng dịch kinh bản ra tiếng Jarai những năm 1969-1973. Khi chữ quốc ngữ được phổ biến, sách đạo dùng chữ quốc ngữ. Bản Kinh thánh cứ bản Vulgata của cố chính Linh ( Albert Schilicklin) được dịch ra tiếng Việt in lần đầu ở Hồng Kông năm1913-1914.
Khi phổ cập chữ Quốc ngữ, cũng có người phê phán đạo Công giáo làm đứt đoạn với văn hóa truyền thống, làm cho đất nước không hóa rồng được. Điều này không có cơ sở. Bằng chứng là khi chữ quốc ngữ được dùng bắt buộc trong các kỳ thi cử hay giấy tờ hành chính từ năm 1910 theo nghị định của thống sứ Bắc Kỳ thì phía Công giáo, nhiều giáo sĩ vẫn dùng chứ Nôm. Trong thư mục vụ ngày 7-10-1910, giám mục Bùi Chu là Pierre Munagorri Trung còn quy định các chủng sinh phải học Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử lược. Giám mục Pierre Marie Gendreau Đông (1892-1935) cũng chỉ thị cho các linh mục trong địa phận Tây Đàng Ngoài ( Hà Nội ngày nay) phải tuyển chọn các ông đồ Nho làm giáo viên giảng dạy cho các học trò xứ đạo.
Quá trình “ Việt hóa đạo” này làm cho các ông cố Tây trước đây bắt người Việt Nam gia nhập đạo Công giáo phải bỏ tên cha mẹ đặt cho để nhận một tên thánh lạ lẫm như Anrê, Gioan, Anna, Maria…nay thì chính các cố Tây phải đổi sang tên Việt Nam ví dụ: giám mục Liêu ( tức Retord), giám mục Đông (tức Gendreau), cố Lương (tức linh mục Cardro). Thậm chí các thánh cũng bị Việt hóa như thánh Vincent gọi là thánh Vinh Sơn, thánh Dominico gọi là thánh Đa Minh. Các hội đoàn từ Tây nhập vào như dòng Benedict gọi là dòng Biển Đức, hội Sulpicien gọi là hội Xuân Bích…
Thánh lễ trước đây dùng tiếng Latinh, sau được chuyển sang tiếng Việt. Người ta cũng chấp nhận một số nghi thức văn hóa dân tộc như việc thắp hương trước bàn thờ hay dùng tiếng cồng chiêng thay tiếng chuông trong thánh lễ. Một số nơi còn cho phép giáo dân ghi lời khấn xin ra giấy và đốt đi trước tượng ảnh Đức Mẹ. Trong thánh lễ, thánh nhạc được dùng cũng thuần Việt không chỉ về lời mà còn khai thác cả giai điệu dân ca. Lúc đầu, người ta cho dịch các bài hát ra tiếng Việt mà người khởi xướng là linh mục Vượng ở Nam Định những năm 1939-1940. Đến tháng 7-1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời với tuyên ngôn: “Về nội dung, phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh” đã mở ra giai đoạn mới cho thánh nhạc Việt. Bây giờ từ dân ca quan họ Bắc Ninh, hò Huế, dân ca Nam Bộ đến những giai điệu bốc lửa của Jarai cũng đều tìm thấy trong thánh nhạc.
Về hội họa Công giáo, trước đây trên bàn thờ chỉ có các bức tranh tượng từ phương Tây đưa sang, bây giờ có nhiều tranh tượng của người Việt sáng tác. Hình mẫu, phong cách cũng rất Việt. Ví dụ bức tranh sơn dầu Đức Mẹ Việt Nam của họa sĩ Nam Phong hiện đang trưng bày ở phòng khách nhà Phát Diện tại Roma. Đức Mẹ ở đây là phụ nữ người Việt với mái tóc dài đổ xuống bờ vai, đang bồng con như bao bà mẹ vẫn ru con thao thức như thế. Dù không có bản đồ Việt Nam dưới chân, người ta vẫn nhận ra bà mẹ Việt (ảnh dưới). Bức sơn dầu Giáng sinh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí lại tái hiện Đức Mẹ trong tà áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ thấp thoáng khóm tre, con trâu. Tượng Đức Mẹ La Vang lại là phụ nữ với trang phục quý phái đầu đội khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba như hoàng hậu.
Về kiến trúc, trước đây các nhà thờ được xây cất theo kiến trúc phương Tây. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện nhà thờ Phát Diệm kiến trúc theo kiểu đình, chùa Việt hồi cuối thế kỷ XIX . Bây giờ rất nhiều kiến trúc nhà thờ Công giáo theo phong cách này. Nhà thờ Pleichuet, Gia Lai (ảnh trên) được khánh thành năm 2005 hệt giống ngôi nhà rông khổng lồ với mái cao 35m. Trong nhà thờ treo 2 bộ cồng chiêng. Cầu thang và nhà Tạm thiết kế như chiếc gùi đi rẫy của đồng bào Tây Nguyên. Nhà thờ Cửa Nam ( Lạng Sơn) khánh thành năm 2004 lại giống như ngôi nhà dài tám mái của người Nùng. Trần nhà thờ là bông hoa hồi cách điệu. Tòa để Thánh thư là chiếc chòi canh rẫy và tòa để Thánh thể lại thiết kế như ngôi nhà sàn…Nhiều nhà thờ kiến trúc theo triết lý của người Việt là “thiên địa nhân nhất thể” nên đâu cũng thấy núi nhân tạo, hồ ao cây cảnh. Số gian nhà thờ cũng thường là 5,7 hay 9 và chỗ ngồi cũng phân ra “ nam tả nữ hữu” như dân gian vẫn nói.
Chính nhờ văn hóa dân tộc thẩm thấu vào nên một tôn giáo xa lạ từ phương tây đến như đạo Công giáo đã trở thành một tôn giáo ngày càng gần gũi với người Việt có tên gọi là đạo Công giáo Việt Nam.
2- Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Công giáo Việt Nam
Văn hóa Công giáo có một giá trị to lớn không chỉ với đạo Công giáo mà còn quý giá với văn hóa Việt Nam. Thế nhưng công việc bảo tồn chưa thật được chú trọng có bài bản, chuyên nghiệp.
Về văn hóa phi vật thể: Đạo Công giáo có rất nhiều tác phẩm văn học sơ khai từ buổi đầu tiên đạo Công giáo du nhập vào mảnh đất này. Như 3000 câu thơ lục bát ghi lại sự tích trong Kinh thánh của bà Catarina- chị của chúa Trịnh Tráng mà A. de Rhodes đã ca ngợi hết lời nay cũng thất truyền. Kho tàng chữ Nôm Công giáo cũng rất đồ sộ mà theo TS, linh mục Nguyễn Hưng thì 308 tác phẩm hiện ở thư viện MEP, Paris. Đặc biệt tương truyền, riêng linh mục Jeronimo Maiorica (1591-1656) đã để lại tới 1.200.000 chữ Nôm qua 45 tác phẩm nhưng cũng còn tản mạn nhiều nơi.
Đạo Công giáo cũng hình thành một mảng văn học dân gian qua ca dao, tục ngữ, truyện cười rất phong phú. Họ dùng ca dao, tục ngữ để ghi lại kinh nghiệm sản xuất kiểu như:
Lễ Rosa (7-10) thì tra hạt bí
Lễ Các thánh (1-11) gánh mạ đi gieo
Rồi nói về thời tiết, mùa vụ, tâm lý, sinh hoạt cộng đồng. Những chuyện cười nhà đạo được in rải rác trên các báo đạo hay trong dân gian vô cùng phong phú nhưng chưa có ai sưu tầm, tập hợp lại.
Đạo Công giáo cũng để lại nhiều kinh, vãn, ca rất hay như Kinh cầu Đức Bà bằng Hán tự, các vãn dâng hoa, vãn Hang đá hay các ca vãn như “Hiếu tự ca” (1088 câu lục bát), “ Nữ tắc thường lệ” (1016 câu) của linh mục Trần Lục… cũng đang dần mai một hoặc lưu truyền trong dân gian nhưng theo kiểu“tam sao thất bản”.
Lĩnh vực báo chí cũng là di sản quý báu của Công giáo với văn hóa nước nhà. Trước năm 1945, nước ta có 40 đầu báo của cá tôn giáo nhưng riêng Công giáo đã chiếm một nửa, tức 20 tờ. Có tờ tồn tại khá lâu như tờ “Nam Kỳ địa phận” là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta tập hợp rất nhiều nhà báo nổi tiếng như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… xuất bản từ năm 1908 tồn tại mãi đến năm 1945 nhưng cũng khó tìm được cả bộ của báo này.
Các bản điều trần với nhiều tư tưởng cải cách, canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Tuấn, Đinh Văn Điền…không những là những áng văn chương hay mà còn là những tư duy “vượt thời đại” cũng rất cần sưu tập lại không những cần có những nhà nghiên cứu mà còn là bằng chứng về sự đóng góp của các nhà tư tưởng. Công giáo với khoa học tư duy ở Việt Nam.
Các hương ước, văn bia, câu đối ở các làng Công giáo cổ, các nhà thờ, nghĩa trang… cũng khá phong phú nhưng việc nghiên cứu, sưu tập chưa được bao nhiêu và vẫn còn khoảng trống lớn. Các tác phẩm văn học Công giáo từ truyện, thơ, ký, nghiên cứu, phê bình nhất là những tác phẩm còn lưu lạc ở nước ngoài như của linh mục Philipphê Bỉnh (1759-1833) viết tay tới 26 tác phẩm khi lưu lạc ở Bồ Đào Nha cũng cần hệ thống lại để giới thiệu cho bạn đọc.
Thánh nhạc Việt Nam cũng phong phú trong đó phải kể đến mảng thánh nhạc theo truyền thống văn hóa dân tộc khi đưa các làn điệu dân ca các miền vào. Nhất là giai điệu dân ca các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Banar rất hay và sôi động. Phải có tập hợp, đánh giá để phát huy những nét đẹp về nghệ thuật cũng như nội dung của lĩnh vực này.
Về di sản văn hóa vật thể: Trước tiên là số lượng nhà thờ với đủ các kiểu kiến trúc theo phong cách châu Âu như nhà thờ lớn Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ lớn Nam Định, nhà thờ lớn Đà Lạt, Nha Trang…cho đến các nhà thờ theo phong cách Việt như nhà thờ lớn Phát Diệm, nhà thờ Cửa Nam ( Lạng Sơn), nhà thờ Pleichuet (Gia Lai), nhà thờ Cam Ly, Ka Đơn (Đà Lạt)…Trong số hơn 6.300 nhà thờ Công giáo hiện nay chỉ duy nhất có nhà thờ Phát Diệm là được cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Điều lạ này có nguyên nhân cả 2 phía. Phía Công giáo không muốn làm hồ sơ đề nghị công nhận vì phiền hà, tiêu cực hơn nữa khi được công nhận rồi thì sửa chữa, sử dụng khó khăn. Trong khi đó nhiều nhà thờ đã có tuổi đời hơn 100 tuổi, trải qua mưa gió, bom đạn đã xuống cấp rất cần tu sửa lại nhưng thiếu kinh phí và cả thiết kế sửa chữa làm cho công trình sau khi sửa chữa bị biến dạng, lòe loẹt mất đi vẻ đẹp ban đầu.
Các tượng đài Công giáo hiện nay khá nhiều, có mặt ở khắp nơi. Có những công trình lớn trở thành danh thắng như tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu (ảnh cuối), có tượng là tác phẩm của các kiến trúc sư có tiếng như Văn Nhân, Ngô Viết Thụ…Có tượng đài được nhân bản ra nhiều nơi như tượng Đức Mẹ La Vang nhưng cũng đang bị “tam sao thất bản”. Tranh ảnh Công giáo cũng nhiều và đẹp. Chỉ nói riêng trường phái tranh “Việt hóa” như “Đức Mẹ Việt Nam” của Nam Phong, “Giáng sinh” của Nguyễn Gia Trí, “Madalena dưới chân Thánh giá” của Lê Văn Đệ, các tranh sơn dầu về chủ đề Giáng sinh, Đức Mẹ của Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Thị Tâm… trong đó có những tác phẩm nổi tiếng đang được trưng bày ở Vatican và bảo tàng châu Âu cũng cần có hệ thống địa chỉ để giới thiệu cho công chúng biết.
Tóm lại, công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Công giáo còn rất nhiều việc phải làm từ việc tổ chức nhân sự đến kinh phí nhưng chưa biết trông chờ vào đâu?
Chú thích:
*Phó Viện trưởng Viện Trí Việt (IVM), Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học,
1- Xem TS Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012
2- A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Tủ sách Đại Kết 1994, tr.143
9- Theo Bienđong .net ngày 23-8-2013
11- Theo Biengioilanhtho.gov.vn ngày 28-8-2013
Tác giả bài viết: TS. Phạm Huy Thông*
Nguồn: https://gpbuichu.org/