Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Dẫn vào thánh lễ và suy niệm chúa nhật / DẪN VÀO THÁNH LỄ VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

DẪN VÀO THÁNH LỄ VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – A

Cv 2, 14.22-28; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

Chủ Đề: THÁNH LỄ LÀ PHƯƠNG THỨC GIÚP TIN NHẬN ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Lời Chúa: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người” (Lc 24, 30-31)

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,   

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 3 Phục sinh hôm nay cho chúng ta thấy, sau biến cố đau thương của Chúa Giêsu chết treo trên thập giá, các tông đồ vừa thất vọng vừa khiếp sợ. Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ rời bỏ Giêrusalem. Bằng lời Thánh Kinh và bằng “nghi lễ bẻ bánh”, mắt họ sáng ra và nhận ra Người:

Phục sinh mầu nhiệm quá cao !

Tông đồ, môn đệ làm sao hiểu liền!

Tìm về quê cũ cho êm,

Nào ngờ lữ khách khơi lên nỗi niềm,

Thánh Kinh, Mình Chúa mũi tên,

Chỉ cho ta biết Cha hiền Phục sinh.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa cho nỗi niềm của chúng ta cũng được khơi dậy mỗi khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, là phương thức giúp tin nhận Chúa Kitô Phục sinh. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa đã chỗi dậy từ trong cõi chết. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã khơi gợi và cũng cố niềm tin cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, bầu khí các quốc gia trên thế giới trở nên ảm đạm và bàng hoàng, khi số ca nhiễm virus corona mỗi ngày một gia tăng. Bầu khí lại càng ảm đạm, vừa thất vọng vừa khiếp sợ hơn nữa khi số ca tử vong không dừng lại mà mỗi ngày một tăng biến. Tính đến sáng 23/4, toàn thế giới đã có hơn 2,6 triệu người nhiễm, với 182.903 ca tử vong, biết đâu trong số đó, lại có người thân của chúng ta? Bên cạnh đó, thế giới được cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể là ‘một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế và thứ ba là cuộc khủng hoảng y tế’. Như thế, bầu khí lại càng ảm đạm và kinh hoàng hơn nữa cho toàn thể nhân loại trên địa cầu.

Thưa anh chị em, sự ảm đạm và bàng hoàng đó cũng đã từng xảy ra, bao trùm thế giới cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Golgotha. Một là với các môn đệ khi chứng kiến trước sự tử nạn của Thầy, hai là với các phụ nữ ra thăm mộ khi thấy ngôi mộ trống, và ba là với các lính canh mộ, các cấp lãnh đạo dân sự và tôn giáo Do thái trước hung tin: Chúa đã sống lại!. Sự sống lại của Chúa Giêsu đã chiếu dọi vào đêm tối tội lỗi và thất vọng một luồng sáng mới: Ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng ấy đã soi dọi vào tâm hồn các Tông đồ đang thất vọng não nề, nơi các phụ nữ ra thăm mộ đang bàng hoàng khiếp sợ một tia hy vọng và bình an: Chúa đã sống lại rồi. Alleluia!. Tin mừng hôm nay thuật lại cảm nghiệm về Đấng Phục sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi đến một làng tên là Emmaus trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đó là “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá”. Trước sự bàng hoàng và lo sợ của hai môn đệ, Chúa Giêsu Phục sinh đã xuất hiện và đồng hành với các ông mà các ông không nhận ra Người. Chúa Giêsu giải thích Thánh kinh và hâm nóng tâm hồn tan nát não nề của các ông. Lòng các ông sốt sáng lên cho đến khi tham dự “nghi lễ bẻ bánh”, cử chỉ của tình thương, các ông đã nhận ra người bạn đồng hành chính là Chúa Kitô Phục sinh. Lúc này đây, hai môn đệ mới cảm nhận được sự bình an đích thực của tâm hồn và họ đã đứng dậy, quay trở về Giêrusalem gặp nhóm mười một, loan báo Tin mừng Phục sinh. Còn các Tông đồ khác cũng đã khẳng định lập trường: “Phần chúng tôi, không thể không nói những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh được khơi gợi nhờ nghe Thánh kinh, nghe giáo lý của các Tông đồ. Nhưng “nghi thức bẻ bánh” tức là thánh lễ đã có sức mạnh làm sống động đức tin còn yếu ớt, còn non dại. Ngày nay, nhờ chuyên chăm đọc, học và suy niệm Lời Chúa cùng tham dự thánh lễ, người Kitô hữu được gặp gỡ thân tình với Chúa Kitô, được đụng chạm đến Người. Từ đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được về Đấng Phục Sinh của hai môn đệ đang trào dâng trên đường đi về làng Emmaus. Người đang đến trong cuộc sống hàng ngày, trong từng biến cố niềm vui nỗi khổ của chúng ta. Người đồng hành với chúng ta để chia sẻ kiếp người và giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã cảm nhận được sự bình an đích thực của tâm hồn, giúp cho nỗi niềm của chúng ta được khơi dậy mỗi khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, là phương thức giúp tin nhận Chúa Kitô Phục sinh. Có Chúa ở cùng, cuộc đời của chúng ta trở nên có ý nghĩa: có Chúa có bình an. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

Check Also

THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 24-12

THÁNH LỄ ĐÊM – GIÁNG SINH 24.12 Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14 Chủ đề: …