Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Dẫn vào thánh lễ và suy niệm chúa nhật / DẪN LỄ VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – B

DẪN LỄ VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – B

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – B
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
Chủ đề: CHỨNG NHÂN TIN MỪNG PHỤC SINH
Lời Chúa: “Các con sẽ là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14,48).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 3 phục sinh hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà tiệc ly và ban bình an cho các ông. Chúa muốn các Tông đồ hãy xác tín về sự phục sinh của Người, và hãy vui mừng làm chứng nhân của Đấng phục sinh:
Này đây dấu chứng Phục sinh,
Hiện ra, Chúa dạy Thánh Kinh, mở lòng.
Chúa dùng cá nướng mật ong,
Rõ ràng Chúa đó, thật không nào ngờ.
Nào ta, chớ có làm ngơ,
Tin Mừng đón nhận, còn chờ đợi chi ?
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa Kitô phục sinh hiện diện và ban ơn bình an của Người cho chúng ta. Xin Người soi lòng mở trí để chúng ta sốt sắng lắng nghe lời Chúa và trở nên chứng nhân Tin Mừng Chúa phục sinh. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa chịu khổ hình để xóa bỏ tội lỗi chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã giải thích Thánh Kinh cho hai môn đệ trên đường Emmaus sốt sắng khi nghe Lời Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi các Tông đồ làm chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại qua nhiều giai đoạn trong lịch sử dân Do Thái, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua chính Con của Ngài khi sai Chúa Con xuống làm người, như sách Do thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2). Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, trong lúc rao giảng Nước Trời cũng như sau khi sống lại, Người đã dụng ý chọn gọi một số người nên môn đệ, Tông đồ để họ trở nên các chứng nhân của Người. Những người này không chỉ là những người đã thấy các biến cố đời sống, mà còn là những người đã hiểu và đã sống ý nghĩa ẩn khuất của các biến cố ấy, họ được mời gọi “là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14,48).
Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các ngôn sứ mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình, đã sống lại và đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ trên đường trở về ngôi làng cũ Emmaus, cũng như hiện ra với các Tông đồ trong phòng tiệc ly hôm nao. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn thuyết phục các Tông đồ tin Người sống lại: cho xem các dấu đinh, cho sờ mó vào thân xác phục sinh của Người, ăn uống trước mặt các ông và trao phần còn lại cho các ông. Hơn thế nữa, Người còn soi trí mở lòng cho các ông am hiểu Thánh kinh về Đấng Kitô, về những đau khổ và sự sống lại của Người đã được loan báo trước trong Cựu ước. Xác tín vào Chúa Kitô phục sinh, các Tông đồ đã loan báo những chứng cớ đó: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, 13-15). Thánh Phêrô còn xác quyết rằng: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn, cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41). Các tông đồ sau khi tin vào Chúa phục sinh thì các ông không còn cái nhìn sợ hãi. Các ông đã hết sợ nghi nan. Các ông không sợ người Do Thái đến bắt. Các ông không sợ đối diện với công quyền. Các ông chỉ còn lo một việc là nói về sự phục sinh của Chúa cho muôn dân.
Chuyện kể rằng, một linh mục được sai đi truyền giáo ở một bộ lạc còn mê tín. Sự cởi mở hòa nhã của ngài đã làm cho nhiều người trong bộ lạc có cảm tình với ngài. Nhưng ngài trở thành đối thủ cần loại trừ của các người phù thủy, bị xúi dục, một người trong số họ đã lấy đá ném thẳng vào ngài. Rất bình tĩnh, ngài cúi xuống nhặt viên đá và nói: Viên đá thấm máu này sẽ là viên đá đầu tiên để xây dựng đền thờ của Thiên Chúa. Quả thật, mấy chục năm sau cả bộ tộc đã xin trở lại đạo. Và ngài đã xây dựng một ngôi nhà thờ ngay tại nơi mà ngài đã bị hãm hại.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mỗi Kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thánh Tẩy, đều được mời gọi làm chứng nhân bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội. Đón nhận Tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa Kitô phục sinh xưa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường trở vể Emmaus, hiện ra ban bình an cho các Tông đồ, và trao ban sứ vụ chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Người cũng ban ơn bình an và đồng hành với mỗi người chúng ta trên bước hành trình làm chứng tá cho Tin Mừng Chúa đã sống lại. Aleluia!. Amen.
 
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

Check Also

DẪN VÀO THÁNH LỄ VÀ SUY NIÊM CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG – A

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG – A Is 7, 10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24 Chủ …