CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 21,1-41
Chủ Đề: CHÚA GIÊSU – NGƯỜI TÔI TỚ KHIÊM NHU
Lời Chúa: “Nguời đã tự hạ và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta bước vào Tuần Thánh. Khởi đầu Tuần Thánh Giáo hội tưởng nhớ Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem và tưởng niệm hy tế của Người tôi tớ khiêm nhu:
Như người tôi tớ chung tình,
Giê-su gánh vác thập hình đau thương.
Sẵn sàng chấp nhận tai ương,
Vâng theo ý Chúa trăm đường chẳng sai.
Vác cây thập tự theo Người,
Tín trung, phó thác, khẩn nài kiên tâm.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết bắt chước Chúa Giêsu sống khiêm nhu, nhờ đó chúng ta mới nhận thấy tình yêu thương thật cao cả của Thiên Chúa dành cho loài người tội lỗi chúng ta. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là người tôi tớ khiêm nhu. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa hạ mình xuống để nâng loài người sa ngã lên làm con Thiên Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô. Cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem là dấu chỉ chiến thắng, là kết quả chung cuộc trong vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Chúa Kitô, khi Người hoàn toàn vâng phục trong khiêm hạ để đón nhận cuộc Thương Khó cứu chuộc chúng ta. Đây cũng là lời mời gọi chúng ta hãy noi theo gương Người, tin vào Người, trông cậy nơi Người để cùng Người bước đi trong vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Thưa anh chị em, bài đọc 1 hôm nay mô tả người tôi tớ khiêm nhu của Thiên Chúa, tuy bị nhục mạ nhưng vẫn hiên ngang can đảm chấp nhận, người tôi tớ đầy đau khổ mà không than van, chạy trốn, luôn chấp nhận mọi phỉ nhổ và luôn trông cậy vào chủ. Những nét độc đáo này về người tôi tớ khiêm nhu đã được thánh Matthêu trình bày cặn kẽ trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu: trong cơn đau khổ, Chúa Giêsu đã đến vườn Cây Dầu cầu nguyện, để lắng nghe thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được xin cho con khỏi chén này”. Rồi tại dinh Caipha, tại công trường Philatô, trên đường khổ nạn và ở đồi Canvê, Chúa Giêsu đã lặng thinh chấp nhận mọi nhạo cười, sỉ vả và kết án bất công. Cuối cùng, thái độ tín thác vào Thiên Chúa được nêu bật ở lời sau hết: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?”. Nhưng vượt lên trên sự bỏ rơi, Chúa Giêsu bình thản trước các biến cố. Người hoàn toàn tự do để có thể lẩn tránh hay đón nhận. Người có thể khước từ chén đắng, nhưng Người đã đón nhận trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Tất cả những gì đang diễn ra, Người đều phải cầu nguyện để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha. Chén đắng Cha trao khi đã hiểu được đâu là thiên ý, giờ đây Người xin đón nhận: “xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Trong khi chiêm ngắm bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, lòng cam đảm, tinh thần hy sinh chịu đựng, cũng như thái độ khoan dung thứ tha của Người đối với chúng ta. Chúa Giêsu khiêm tốn đến mức độ thẳm sâu ấy. Thánh Phaolô đã mượn lời thánh vịnh để mô tả về Chúa Giêsu: Tuy là thân phận Thiên Chúa nhưng đã huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Quả thật, Chúa Giêsu là tôi tớ khiêm nhu, mời gọi mọi người noi gương Người, sống khiêm nhu chân thành để đón nhận ơn tái sinh làm con Thiên Chúa, một chức phận đã bị tổn thương và mất vì tội kêu ngạo của nguyên tổ và mọi người. Hôm nay ngày khởi đầu tuần thương khó, mỗi người chúng ta hãy rà xét lại lối sống của mình để ăn năn thống hối về hành động của mình, nhờ tâm tình sám hối, ăn năn được khơi dậy trong tâm hồn của chúng ta để chúng ta bước vào đời sống mới trong Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được lòng thương xót nhân từ của Ðấng đã chết vì tội lỗi chúng ta, giúp chúng ta chỉnh sửa lại lối sống của mình và ban ơn tha thứ. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.