ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI TRẺ: BIẾT HÒA GIẢI NHỮNG KHÁC BIỆT ĐỂ SỐNG HÒA HỢP[1]
Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, FSC
- Câu chuyện Kinh thánh: Sách Sáng Thế 37:2 – Chuyện gia đình ông Giacóp
Kinh thánh tường thuật về ông Giacop, con của ông Isaac. Giacop đến ở nhà cậu là Laban, và lấy được hai người con gái của ông Laban là Lêa và Rakhen (kèm theo hai người đầy tớ là Bila và Đinpa) làm vợ. (St 28:1-3; St 29:15-28). Các bà sinh ra cho Giacop 12 người con. Họ là tổ phụ của 12 chi tộc Israel (St 28:1-30; 35:23-26).
“Con trai bà Lê-a: Rưu-vên, con đầu lòng của ông Gia-cóp, rồi đến Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Ít-xa-kha và Dơ-vu-lun.
Con trai bà Din-pa, nữ tỳ của bà Lê-a: Gát và A-se. Đó là những con trai ông Gia-cóp sinh được tại Pát-đan A-ram.”
Con trai bà Ra-khen: Giuse và Ben-gia-min.
Con trai bà Bin-ha, nữ tỳ của bà Ra-khen: Đan và Náp-ta-li.”
Một trong mười hai người con của Giacop là Giuse con bà Rakhen được cha thương hơn các anh. Giacop may cho Giuse một áo chùng dài tay, đẹp. Ông Giuse có giấc mộng, ông thấy trên cánh đồng, bó lúa của các anh em sụp lạy bó lúa của ông; lần khác Giuse lại mộng thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao quay lại sụp lạy ngôi sao của Giuse. Sự thương riêng của cha dành cho Giuse và những giấc mộng của Giuse khiến anh em bực tức và ghen tị.
Sự ghen tức đã khiến anh em định tâm giết chết Giuse, nhưng Rưuven đã can ngăn đề nghị vứt xuống giếng và rồi người Ismael đưa Giuse qua Ai Cập bán làm nô lệ. Giuse bị đưa qua Ai Cập bán làm nô lệ, ở đó ông làm người hầu cho một vị quan của Pharaon. Ông bị vu oan và bị cầm tù, và trong tù ông được mời giải mộng cho Pharaon và trở thành Tể tướng của Ai Cập.
2. Những yếu tố phá hoại bên trong gia đình ông Giacop
2.1. Các yếu tố gây nên đổ vỡ
Kinh thánh tường thuật cho thấy sự phức tạp trong đời sống gia đình – gia tộc: Giacop có nhiều vợ. Các bà vợ lại thuộc nhiều thành phần khác nhau, cả người tự do lẫn nô lệ. Các con khác nhau của các bà vợ (12 con trai) là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các bà vợ – cũng như mầm mống sinh ra những tị hiềm. Sự thiên vị của người cha là Giacop (yếu tố nguồn gốc của mọi vấn đề). Ông yêu Giuse hơn các anh; chính vì hành động của người cha mà Giuse bị anh em thù ghét và vì không thể làm gì được cho nên họ tìm cách trút cơn giận lên Giuse.
Các anh em (10 người con của các bà khác, trừ Benzamin là em cùng mẹ với Giuse) sống không gương mẫu, so bì và đối xử tệ hại với anh em (đặc biệt là Giuse). Anh em cho là mình làm việc vất vả còn Giuse làm tính toán thì không vất vả.
Chính Giuse ngây thơ không nhận ra việc cần sống quân bình các mối liên hệ trong gia đình, không cảm nhận được cảm xúc của người khác; ông hay mách cha về những lầm lỗi của các anh; ông đã ngây thơ kể lại giấc mơ của mình phóng chiếu đến tham vọng vĩ đại (Chúa ban) của ông. Giữa Giuse và 10 anh em không có sự hòa hợp và mối liên hệ họ không được tốt.
2.2. Từng Bước Dẫn Đến Hậu Quả
– Người cha mắc phải lầm lỗi: thiên vị.
– Các anh em mắc lầm lỗi: làm việc không tốt, đối xử tệ hại.
– Giuse có một ngây thơ (có thể chưa phải là tội) trong ứng xử: ông hay mách cha về những lầm lỗi của các anh; ông đã ngây thơ kể lại giấc mơ của mình phóng chiếu đến tham vọng vĩ đại (Chúa ban) của ông. Ông không biết mình đang khơi dậy sự ganh tị, thù oán nơi anh em.
– Những hiểu lầm và oán giận không được phát hiện và giải hòa ngay khi mầm mống xuất hiện, họ cứ nuôi lòng thù ghét Giuse nên dần dần đã dẫn đến thảm kịch mà không ai muốn, nhưng nó vẫn xảy ra: Anh em của Giuse liên kết lập mưu đồ để hãm hại em mình (mặc dù họ biết và được cảnh báo là không đổ máu em mình)
– Đầu tiên anh em chỉ ganh ghét Giuse thôi, họ không nghĩ tới việc giết Giuse. Họ sẽ vui nếu có tai họa nào đó đổ xuống trên ông Giuse. Nhưng nuôi giận hờn trong lòng mãi thì đến một lúc điên dại (chè chén say sưa); lại thấy nguyên cớ gây tức giận (thấy Giuse từ đằng xa, mặc chiếc áo chùng); họ điên lên và đồng ý giết em mình. Và đã hành động. Ở đây chúng ta cũng thấy được rằng trong 10 anh em thì có hai người là Rưuven và Giuđa đồng ý trừng phạt rồi lại muốn cứu em; hai người này không muốn giết hại em. Ý kiến của họ đã thay đổi kế hoạch giết Giuse thành bán cậu làm nô lệ.
– Sau khi gây ra hành vi sai trái tất cả 10 anh em đều nói dối. Một hành vi nói dối có kế hoạch và nói dối tập thể để che giấu tội lỗi. Thêm vào sự thù ghét và hãm hại Giuse (người em), sự nói dối đã dẫn 10 anh em đến một tội khác là xúc phạm đến phẩm giá của người cha. Họ đùa cợt trên đau khổ của cha mình một cách thô bạo không thương xót (lấy áo chùng của Giuse nhúng máu súc vật mang về cho cha làm cho ông tin rằng Giuse bị thú dữ ăn thịt, ông Giacop khóc, họ cũng giả vờ khóc theo). Nó phá hoại hạnh phúc gia đình.
– Sự dối trá của 10 anh em trở nên thường xuyên và họ thực hiện trong nhiều năm, mà ai cũng sợ có một ngày nào đó trong anh em có người nói ra sự thật. Một sự thông đồng thinh lặng, ngột ngạt.
– Trong gia đình mỗi người đều ngờ vực và đề phòng. Tất cả đều sống trong tội. Sống trong sự dối trá và ngoan cố.
3. Những Người Thực Hiện Hòa Giải: Ai tham dự vào sự hòa giải này?
3.1. Thiên Chúa Dẫn Đưa Con Người Tới Sự Hòa Giải
Nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa mà Giuse gặp may mắn:
– Có đoàn người Ismael đi ngang qua, anh em đã bán Giuse cho họ mang qua Ai Cập làm nô lệ[2] (St 37:25-30) thay vì giết chết.
– Những biến cố đau khổ khủng khiếp mà Giuse phải trải qua: bị anh em bỏ xuống giếng, bị bán làm nô lệ, bị nhốt tù (vì vu oan). Đó là những hậu quả do chính hành xử đối với Giuse của người cha của các anh em, của bà vợ ông quan Ai Cập; nhưng đó cũng là cách thức Thiên Chúa dùng (cho nó xảy ra) để thanh luyện con người Giuse, dạy cho ông hiểu về sự phức tạp của hoàn cảnh, dạy cho Giuse hiểu biết hơn về anh em của ông. Giuse học được các bài học rằng cuộc đời này không luôn luôn có điều chúng ta mong muốn. Giuse trả một giá rất cao để học được bài học trở thành người khôn ngoan và ngay thẳng. Thiên Chúa ở cùng Giuse dẫn đưa ông, trải qua các biến cố, trở thành Tể tướng của Ai Cập.
– Nạn đói xảy đến, con cái nhà Giacop đến Ai Cập để mua thóc lúa. Giuse đã gặp lại anh em của ông. Biết tin tức về cha già và đứa em Benjamin.
3.2. Giuse Không Trả Thù – Ông Chỉ Nghĩ Đến Việc Cứu Sống
Giuse trở thành Tể Tướng của Ai Cập, đứng ra phân phát và bán thóc gạo khi nạn đói xảy ra. Giuse nhận ra anh em khi họ đến mua thóc gạo, nhưng ông giả vờ không biết. Ông đã thử thách họ, ông hỏi họ về gia đình: còn cha hay anh em nào không? Ông yêu cầu đưa Benjamin qua cho ông, sai đầy tớ bỏ chén bạc vào trong bao lúa Benjamin để tố cáo họ ăn cắp, dọa nhốt tù người nào bị phát hiện có chén bạc trong bao lúa. Thử thách này đặt các anh em của Giuse vào một tiến trình hối hận vì tội lỗi quá khứ của họ. Khi thấy anh em hoán cải, bày tỏ một tình yêu quảng đại với gia đình, Giuse tỏ cho anh em biết chính ông là người em mà họ đã bán sáng Ai Cập trước đây. Ông khóc. Ông hỏi thăm cha già. Kêu gọi họ tiến lại gần ông.
Giuse nhận ra mọi sự đau khổ xảy ra làm cho ông đau khổ nhiều là một phần trong kế hoạch Thiên Chúa dùng để cứu độ gia tộc và cho tương lai của dân tộc. Ông nói: Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính vì để cứu sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Trình thuật Kinh Thánh lần này cho thấy Giuse khôn ngoan hơn, ông không lộ diện sớm, nhưng ông đã thực hiện một tiến trình dần dần để khơi lên những tâm tình tốt đẹp nơi anh em và để họ can đảm đối diện với những lỗi lầm và hối hận để xưng thú.
3.3. Những người anh em tham gia và tiến trình hòa giải
– Các anh em lo sợ rằng Thiên Chúa trừng phạt dần dần đối diện với sự thật về lỗi lầm họ đã làm trước đây. Biết dừng lại để nghe tiếng lương tâm và mong làm lại một việc gì khác để chữa lành lầm lỗi phạm trước, đó là sự thống hối sửa mình.
– Giuđa, một trong số anh em đã chấp nhận thế mạng cho Benjamin để đưa em út về cho cha, như là một sự chuộc lỗi cùng cha.
3.4. Tấm lòng của người cha
Người cha luôn hiện diện với các con, thương tiếc, buồn rầu nhưng ông không để mình suy sụp. Ông vẫn điều khiển gia đình. Lúc cuối câu chuyện, ông cũng không một lời mắng nhiếc con cái. Ông chấp nhận để mình được mang đến Ai Cập để sống đoàn tụ gia đình cùng với người con ông yêu cũng như cả với những đứa con đã lừa dối ông.
4. Bài Học Về Hòa Giải
4.1. Tại Sao Chúng Ta Làm Tổn Thương Nhau?
Do có những tranh chấp về quyền lợi (hay điều gì đó) – ích kỷ.
Do tính khí, do số phận nên có sự bất đồng ý kiến giữa anh em hay chị em: giữa những người tốt, người có địa vị, những người có những thành công cá nhân – đố kỵ.
Do có xung đột về lợi ích, giữa anh em chị em có sự lạnh nhạt, thinh lặng và ngờ vực… một lúc nào đó khi có một “cơ hội” họ nổi lên tranh chấp, cãi vã, hành xử thô bạo và chia rẽ – ghen ghét.
Và họ thấy khó sống với nhau, chia bè kết nhóm, thích phê bình chống lại nhau – chì chiết.
Ích kỷ, đố kỵ, ghen ghét, chì chiết nhau bao phủ cảm giác của người này hay người kia, cùng với sự kiêu ngạo lên mặt đối với anh em hay chị em mình đã khiến họ có nhiều lý do để biện minh cho hành động dối trá của mình… cứ thế sự bất hòa ngày càng gia tăng, khiến hạnh phúc gia đình đi tới đổ vỡ.
4.2. Nhân Tố Đem Lại Hòa Hợp
Trong niềm tin, chúng ta phải luôn ý thức điều này. Không có gì ngẫu nhiên xảy ra, tất cả mọi biến cố trong đời sống ta thường cho là khách quan (may mắn) đều có sự can thiệp của Thiên Chúa. Mỗi khi có vấn đề bất ổn trong gia đình, ta cần phải lắng đọng và hướng về Thiên Chúa để xin Chúa can thiệp, cũng như giúp ta nhận ra “bài học cứu sống” gia đình. Việc đọc Lời Chúa (nghe tiếng Chúa) giúp chúng ta trong việc tìm kiếm cách thức để sống hòa hợp với nhau hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Ông Giuse là người chịu hậu quả của những khác biệt trong gia đình, ông cũng chịu hậu quả của những cuồng vọng của con người trong xã hội, ông trở thành sự hiến tế (dụng cụ Chúa dùng) để cứu gia đình, gia tộc, dân tộc. Giuse học được bài học tha thứ từ việc nhận ra những đau khổ ông chịu là cách Thiên Chúa dùng để cứu sống gia đình, gia tộc, dân tộc. Chỉ tha thứ cho nhau dễ dàng khi nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong các biến cố.
Trong thực tế đời sống, khi có ai đó vấp phạm và có những hành động bất chính, tội phạm thì việc tha thứ thôi thì chưa đủ, cần giúp họ nhận ra các lỗi lầm của họ và đưa ra giải pháp để giúp họ thay đổi.
Việc sửa lỗi cho anh em cũng cần phải có một tiến trình giúp họ nhận ra chứ không phải “bốp chát”, mắng chửi… kể cả khi ta là người nắm quyền hành trong gia đình hay xã hội.
Khi đối diện được với những sai lỗi của mình, ta sẽ không còn chối quanh, không đổ tội cho ai khác, sẵn sàng làm một việc gì đó để chuộc lỗi. Đó là hành động dẫn đến hòa giải dù là nó có vẻ thụ động.
Người cha trong gia đình, người nắm quyền bính luôn là trụ cột để quy tụ anh em, tập thể với nhiều khác biệt. Giữa cảnh ngộ tiếc thương và buồn đau người cha biết đón nhận để không suy sụp, ông tiếp tục là trụ cột để lôi kéo anh em khác biệt nhau quy tụ lại. Và khi có cơ hội để hòa giải (đoàn tụ) ông đã hành động để hiệp nhất các thành phần trong gia đình.
5. Giải Pháp Để Đạt Tới Hòa Hợp (theo ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô[3])
Sống với nhau như anh chị em trong sự tôn trọng những khác biệt của nhau. Nhìn nhận họ như “họ là”. Nhìn nhận những khả năng đóng góp của mỗi người trong việc xây dựng và phát triển gia đình. Hãy nghĩ về tình huynh đệ bắt nguồn từ gốc làm con.
Chấp nhận thực tế trong đời sống gia đình có sự mâu thuẫn và xung khắc. Nó là một phần của cuộc sống gia đình giúp anh chị em thấu hiểu nhau. Vì mỗi người là khác biệt nhau: khác biệt tuổi tác, khác quan điểm của mỗi thế hệ, khác nhu cầu của mỗi người… hiểu biết khác biệt của nhau và chấp nhận nhau.
Biết tìm kiếm sự nhất quán, để không chửi rủa, bởi vì những ai chửi rủa là giết người:
+ Đừng làm cho sự khác biệt về lợi ích trở thành lý do cho những tranh chấp, thù ghét, cãi vã, đàm tiếu.
+ Đừng làm trầm trọng thêm những nguyên nhân gây nên tranh cãi trong gia đình vì đụng chạm đến tư lợi cá nhân của người này hay người kia.
Hãy biết rộng lượng và tự nguyện tìm kiếm một bầu khí thân thiện hơn là một cuộc cãi cọ, ngay cả với sự trợ giúp của người khôn ngoan là bạn của hai bên.
Phải tập nói “xin lỗi”, “làm ơn” và phải thật lòng khi nói câu đó:
– Xin lỗi và tha thứ = hai điều rất quan trọng trong cuộc sống.
– Bốn câu quan trọng nhất trong hôn nhân (& liên hệ con người):
+ Anh/chị yêu em (cha/mẹ rất quý mến con)
+ Anh/chị biết mình sai rồi (em đã sai; cha/mẹ đã sai)
+ Anh/chị xin lỗi em (cha/mẹ xin lỗi con)
+ Làm ơn bỏ qua/tha thứ cho anh/chị/em (xin con bỏ qua cho cha/mẹ).
Phải tập nói “cám ơn” mỗi khi nhận được điều gì. Đây là lịch sự chứ không phải khách sáo.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)
[1] Theo ĐHY Carlo Martini, Vivo Nuovo. Bản dịch tiếng Việt Tình Yêu và Gia Đình từ bản tiếng Anh: “The New Wine – Christian Witness of The Family”
[2] Về điểm này bản văn hiện tại từ hai nguồn đan kết với nhau: Nguồn Javish thì anh em định giết Giuse. Giuđa bênh vực và can đừng giết. Khi có đoàn người lữ hành Ismael đi ngang qua, Giuđa đề nghị bán Giuse cho người Ismael và anh em đồng ý rồi họ bán Giuse cho người Ismael 20 đồng bạc. Nguồn Elohit thì anh em muốn giết Giuse, Rưuven can đừng đổ máu em và định mưu cứu em nên đề nghị vứt xuống hố cạn. Khi người Madian đi ngang qua họ kéo Giuse lên và bán cho người Ismael 20 đồng. Dù có khác biệt trong hai nguồn, nhưng Kinh Thánh đều nhấn mạnh đến việc anh em muốn giết hại Giuse và đã đồng ý bán Giuse cho người Ismael (Xem chú dẫn của bản văn Kinh Thánh Cựu-Tân Ước của Lm Nguyễn Thế Thuấn, NXB Tp HCM 1999 và của UBKT, HĐGMVN)
[3] Huấn từ dành cho các gia đình trẻ ngày 28/7/2016 tại Krakow, Poland và Bài giảng ngày 12/6 tại nguyện đường Santa Mattha, Vatican.
nguồn: hdgmvietnam.com