ĐHY Parolin khai mạc Lễ hội Sinh thái Toàn diện lần thứ nhất
Ngọc Yến – Vatican News
Mục đích của Lễ hội liên quan đến Thông điệp Laudato si’, mời gọi mọi người “tái khám phá hệ sinh thái thiêng liêng, với ước muốn tái thiết lại tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Đồng thời khuyến khích mọi người tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn”.
Trong bài thuyết trình khai mạc Lễ hội, Đức Hồng y Parolin nói: “Điều hết sức cần thiết là phải quay trở lại ý nghĩa ban đầu của nền kinh tế. Kinh tế ra đời để phục vụ công ích chứ không phải để săn mồi. Một nền kinh tế không chỉ tập trung vào văn hóa chống lãng phí, nhưng hướng đến sự tuần hoàn, liên đới, khả năng tái tạo và phục hồi”.
Đức Hồng y giải thích rằng, hiện nay có rất nhiều tiếng nói góp phần đưa các mô hình kinh tế mới này hoàn thành. Chẳng hạn như các quy trình nhằm ứng phó với tác động của đại dịch, thông qua cái gọi là ‘kế hoạch phục hồi’, hoặc hiện tượng nghiêm trọng và đáng lo ngại của biến đổi khí hậu, bằng các chiến lược thực hiện trong nước và quốc tế của Thỏa thuận Paris.
Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm: “Những thách thức toàn cầu như đại dịch hoặc biến đổi khí hậu, vượt ngoài biên giới, làm cho các khoản đầu tư vào vũ khí không thể đảm bảo an ninh trong biên giới của các quốc gia. Ở điểm này, chúng ta cũng có thể nghĩ đến một sự chuyển đổi: từ an ninh ‘quân sự’ sang an ninh ‘toàn diện’. Những thách thức này đòi hỏi một bước quan trọng: từ cạnh tranh sang hợp tác, dựa trên ưu tiên bảo vệ nhân phẩm và thăng tiến cuộc sống con người, thông qua đối thoại, đa phương, tin cậy lẫn nhau và các biện pháp củng cố lòng tin. Do đó, một cuộc đối thoại không chỉ đơn thuần giới hạn ở việc trao đổi ý kiến, nhưng cần tập trung vào mong muốn làm việc cùng nhau và cùng nhau bước đi”.
“Đã đến lúc phải hành động, chuyển từ lời nói sang hành động”, Quốc phụ khanh Tòa Thánh cảnh báo, đồng thời công bố những cam kết quan trọng mà Tòa Thánh đưa ra “để chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu: vào năm 2050 giảm lượng khí thải ròng xuống zero và thúc đẩy nền giáo dục về sinh thái học toàn diện”.
Đức Hồng y kết luận: “Suy nghĩ lại về thế giới mà chúng ta đang sống có thể thực hiện dựa trên việc tăng cường mối liên kết, tình huynh đệ, tình yêu thương, và thực hiện hệ sinh thái toàn diện, hoạt động trong phạm vi nâng cao nhận thức về các giới hạn cần được tôn trọng. Để đạt được những điều trên, cần phải thực hiện nhờ bởi một cuộc đối thoại với mục đích ‘cùng nhau bước đi’, ủng hộ sự thay đổi hướng dẫn thế hệ chúng ta trở thành ‘thế hệ phục hồi’, tái xây dựng các mối quan hệ đã bị tổn thương quá lâu giữa chúng ta với nhau”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi