ĐTC gửi sứ điệp video đến Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 109
Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế vì đã mời ngài gửi sứ điệp đến Hội nghị. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đưa ra những nhận xét về tình hình lao động trong thời gian qua, đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng đại dịch.Trong năm 2020, khắp nơi trên thế giới, người ta chứng kiến tình trạng mất việc làm chưa từng có. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp giúp xây dựng một tương lai lao động dựa trên những điều kiện làm việc xứng nhân phẩm, xuất phát từ công ích.
Giáo hội cộng tác với chính phủ để phục vụ công ích
Đứng trước tình hình bất an về lao động, về phía Giáo hội, theo Đức Thánh Cha, sứ vụ cơ bản đầu tiên của Giáo hội là kêu gọi mọi người cộng tác với các chính phủ, các tổ chức đa phương và xã hội dân sự, để phục vụ và quan tâm đến công ích và đảm bảo sự tham gia của tất cả mọi người vào cam kết này. Không ai bị gạt ra bên lề, đặc biệt những người dễ bị tổn thương trong cuộc đối thoại vì công ích, trong đó mục đích trên hết là xây dựng và củng cố hòa bình và lòng tin giữa mọi người.
Qua các cộng đoàn địa phương, các phong trào và tổ chức, Giáo hội có kinh nghiệm lâu năm trong việc tham gia vào các cuộc đối thoại này. Với tư cách là người xây dựng những nhịp cầu, Giáo hội giúp tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại cần thiết để đạt được một tương lai vững chắc và bền vững của ngôi nhà chung của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Một trong những đặc điểm của cuộc đối thoại thực sự là các bên đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Điều này giúp đảm bảo một cuộc đối thoại nghiêm túc”.
Giáo hội dấn thân để mọi người lao động được bảo vệ
Đức Thánh Cha nói tiếp sứ vụ thứ hai của Giáo hội: “Sứ vụ thứ hai của Giáo hội là dấn thân để đảm bảo mọi người lao động được bảo vệ trong chính điều kiện sống của họ. Điều này được thể hiện qua các hệ thống bảo trợ xã hội. Nhưng hiện nay, các hệ thống này đang phải đối diện với những nguy cơ cần phải được hỗ trợ”.
Hướng về tương lai, Đức Thánh Cha cho biết, Tòa Thánh cùng làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế để hỗ trợ sửa chữa các tình huống bất công ảnh hưởng đến các tương quan lao động, vi phạm các quyền cơ bản của người lao động. Vì đã đến lúc phải xóa bỏ những bất bình đẳng, chú ý đến những bất công đang hủy hoại sức khỏe của toàn thể gia đình nhân loại. Ngài nói: “Đối với Chương trình nghị sự của Tổ chức Lao động Quốc tế, chúng ta phải tiếp tục như chúng ta đã làm vào năm 1931, khi Đức Giáo hoàng Piô XI, sau cuộc khủng hoảng Wall Strett và giữa cuộc ‘Đại suy thoái’, đã tố cáo sự bất cân xứng giữa công nhân và doanh nhân”.
Theo Đức Thánh Cha, trong hoàn cảnh đó, Giáo hội đã nhấn mạnh rằng tiền lương không chỉ để đáp ứng nhu cầu trước mắt và hiện tại của người lao động, mà còn phải mở ra khả năng tiết kiệm trong tương lai của người lao động và gia đình họ. Vì vậy, kể từ phiên họp đầu tiên của Hội nghị Lao động Quốc tế, Tòa Thánh đã ủng hộ một quy định thống nhất áp dụng cho lao động ở mọi khía cạnh như một sự bảo đảm cho người lao động. Hơn nữa, các quy phạm pháp luật phải hướng tới sự phát triển của việc làm và các quyền và nghĩa vụ của con người.
Giáo hội cộng tác với Tổ chức Lao động Quốc tế
Đề cập đến sự cộng tác, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, Giáo hội Công giáo và Tổ chức Lao động Quốc tế, với các bản chất và chức năng, có thể tiếp tục thực hiện các chiến lược, nắm bắt các cơ hội phát sinh để hợp tác trong nhiều hoạt động quan trọng. Để thúc đẩy hành động chung này, cần phải hiểu công việc một cách chính xác. Yếu tố đầu tiên cho sự hiểu biết này mời gọi mọi người tập trung chú ý cần thiết vào tất cả các hình thức lao động, bao gồm cả các hình thức tuyển dụng phi tiêu chuẩn. Công việc vượt xa những gì truyền thống được gọi là “việc làm chính thức” và Chương trình Làm việc xứng Nhân phẩm phải bao gồm tất cả các hình thức làm việc. Vì vậy, cần đảm bảo trợ giúp xã hội đến được với khu vực kinh tế phi chính thức và đặc biệt quan tâm đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ nữ.
Mời gọi mọi thành phần xã hội quan tâm đến thế giới lao động
Kết thúc sứ điệp, hướng đến các tham dự viên của Hội nghị, Đức Thánh Cha kêu gọi trách nhiệm đáp ứng thách đố hiện nay. Ngài mời gọi các nhà lãnh đạo chính trị phải luôn truyền cảm hứng bằng hình thức yêu thương là bác ái chính trị. Ngài nói: “Nếu một ai đó giúp một người già qua sông, một cử chỉ bác ái, chính trị gia là người xây cầu và đó cũng là hành động bác ái”.
Ngỏ lời với các doanh nhân, Đức Thánh Cha nói ơn gọi của họ là sản xuất của cải để phục vụ tất cả. Vì thế, trong các dự án, ngoài việc định hướng cho sự phát triển của công ty, các doanh nhân còn phải nghĩ đến sự tiến bộ của người khác, cụ thể tạo ra các cơ hội làm việc cho người lao động.
Sau cùng, hướng đến các nhà hoạt động công đoàn, Đức Thánh Cha mời gọi họ tập trung vào các hoàn cảnh cụ thể của các khu phố và cộng đoàn họ đang làm việc. Các tổ chức công đoàn như các ngôn sứ trong Kinh Thánh, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói, tố cáo những sai trái như ngôn sứ Amốt đã tố cáo: “Chúng bán nguời công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” (Am 2,6).
Đức Thánh Cha kết luận: “Giáo hội luôn ủng hộ Tổ chức Lao động Quốc tế, qua việc cung cấp các nguồn lực, bắt đầu từ Học thuyết Xã hội. Đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền và chỉ khi cùng nhau chúng ta mới có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng”.