Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Tin giáo hội hoàn vũ / THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC ĐỂ GIỚI THIỆU TỰ SẮC “TRADITIONIS CUSTODES”

THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC ĐỂ GIỚI THIỆU TỰ SẮC “TRADITIONIS CUSTODES”

THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC GIÁM MỤC
ĐỂ GIỚI THIỆU TỰ SẮC “TRADITIONIS CUSTODES”

WHĐ (23.7.2021) – Vào ngày 16 tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc “Traditionis Custodes” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc Cải tổ năm 1970. Đi kèm Tự sắc này là một bức thư ngài gửi các Giám mục trên khắp thế giới để giải thích những động lực đưa ngài đến quyết định. Sau đây là bản dịch của Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN về bức thư này.

* * *

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô
gửi các Giám mục trên khắp thế giới
để giới thiệu Tự sắc “Traditionis Custodes”
về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc Cải tổ năm 1970
16.7.2021

Rôma, ngày 16 tháng 7 năm 2021

Anh em Giám mục thân mến,

Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđictô XVI đã làm khi ban hành Tự sắc Summorum Pontificum, tôi cũng muốn gửi kèm theo Tự sắc Traditionis Custodes một bức thư giải thích những động lực đưa tôi đến quyết định này. Tôi hướng về anh em với thái độ tin tưởng và parresia (nói thẳng nói thật), nhân danh điều Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta, đó là “thái độ cùng quan tâm đến toàn thể Hội Thánh, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Hội Thánh toàn cầu”[1].

Rất nhiều người hiểu được những động lực đã thúc đẩy thánh Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI cho phép cử hành Hy tế Thánh Thể theo Sách Lễ Rôma, do thánh Piô V ban hành và được thánh Gioan XXIII hiệu đính vào năm 1962. Năng quyền này – được ban do đặc xá của Bộ Phụng tự năm 1984[2] và được xác nhận bởi Tự sắc Ecclesia Dei của thánh Gioan-Phaolô II năm 1988[3] – trước tiên nhằm giúp hóa giải sự ly khai do phong trào của giám mục Lefebvre. Với ý hướng mang tính giáo hội muốn tái lập sự hợp nhất trong Hội Thánh, các giám mục được kêu gọi quảng đại chấp nhận “nỗi khao khát chính đáng” của những tín hữu muốn dùng Sách Lễ ấy.

Nhiều người trong Hội Thánh lại xem năng quyền này như một cơ hội để tự do chấp nhận Sách Lễ Rôma do thánh Piô V ban hành và sử dụng song song với Sách lễ Rôma do thánh Phaolô VI ban hành. Để chấn chỉnh tình trạng này, Đức Bênêđictô XVI đã lên tiếng về vấn đề đã diễn ra trong nhiều năm sau Tự sắc Ecclesia Dei, bằng cách điều chỉnh một sự kiện trong nội bộ của Giáo Hội, đó là nhiều linh mục và cộng đoàn đã từng “sử dụng với lòng biết ơn điều đã được cho phép bởi Tự sắc” của thánh Gioan-Phaolô II.”

Khi nhấn mạnh rằng việc nới rộng năng quyền theo cách như thế quả là không thể tiên liệu được vào năm 1988, Tự sắc Summorum Pontificum năm 2007 muốn đưa ra “một quy định pháp lý rõ rệt hơn” trong lĩnh vực này[4]. Để mở ngỏ cho những ai, kể cả những người trẻ, “khi tiếp cận dạng thức phụng vụ này, cảm thấy ưa thích và xem đó là một dạng thức, đặc biệt phù hợp với họ, để đến với mầu nhiệm Thánh Thể”[5], Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố “Sách Lễ do thánh Piô X ban hành và sau đó được Chân phước Gioan XXIII hiệu đính, là cách thức thể hiện ngoại thường của cùng một lex orandi”, và ngài cho phép “có thể sử dụng Sách Lễ 1962 cách rộng rãi hơn”[6].

Khi đưa ra những quyết định ấy, các ngài vẫn tin chắc rằng một điều khoản như thế sẽ không dẫn đến sự hoài nghi về một trong những quy định then chốt của Công đồng Vatican II hay làm giảm thiểu thẩm quyền của Công đồng: Tự sắc nhìn nhận, tự bản thân, rằng “Sách Lễ do thánh Phaolô VI ban hành là cách thức thể hiện thông thường của lex orandi trong Hội Thánh Công Giáo theo Nghi lễ Latinh”[7]. Việc công nhận Sách Lễ do thánh Piô V ban hành “là cách thể hiện ngoại thường của cùng một lex orandi”, không hề đánh giá thấp cuộc cải tổ phụng vụ, nhưng được ban hành trong ý muốn thừa nhận “những lời cầu khẩn tha thiết của các tín hữu ấy”, và cho phép họ “cử hành Hy tế Thánh lễ theo editio typica của Sách Lễ Rôma do Chân phước Gioan XXIII ban hành năm 1962 và chưa hề bị hủy bỏ, vẫn được kể là dạng thức ngoại thường của Phụng vụ trong Hội Thánh”[8]. Điều đã khích lệ Đức Bênêđictô XVI trong việc phân định này là có nhiều người muốn “giữ được dạng thức Phụng vụ thân quen với họ”, “đương nhiên đón nhận tính chất ràng buộc của Công đồng Vatican II và trung thành với Giáo hoàng và các giám mục”[9]. Hơn nữa, ngài cũng tuyên bố không có gì phải sợ xảy ra chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ, vì “hai dạng thức của việc sử dụng Nghi lễ Rôma sẽ làm cho cả hai được thêm phong phú”[10]. Vì thế, ngài kêu gọi các giám mục gác qua một bên những nỗi hoài nghi và lo sợ, đón nhận các quy định, “chú tâm làm cho mọi sự tiến triển trong bình an và yên lành”, với hy vọng là “có thể tìm ra những phương cách giải quyết” nếu “những khó khăn nghiêm trọng xuất hiện” trong việc thực thi các quy định “một khi Tự sắc bắt đầu có hiệu lực”[11].

Sau mười ba năm, tôi đã chỉ thị cho Bộ Giáo lý Đức tin gửi cho các giám mục bản câu hỏi liên quan đến việc thực thi Tự sắc Summorum Pontificum. Các câu trả lời nêu rõ một tình trạng làm tôi phải bận tâm và buồn lòng, tình trạng này làm tôi thấy cần phải lên tiếng can thiệp. Các vị tiền nhiệm của tôi muốn “làm bất cứ điều gì có thể làm để cam đoan là những ai thực tình khao khát sống hợp nhất sẽ nhận thấy vẫn có thể ở lại hoặc tìm lại được sự hợp nhất ấy[12], nhưng rất tiếc, điểm nhắm mục vụ ấy đã thường xuyên bị bác bỏ cách tệ hại. Thánh Gioan-Phaolô II, và Đức Bênêđictô XVI lại càng rộng lượng hơn, đã mang đến một cơ may thuận lợi, với ý hướng khôi phục lại sự hợp nhất của thân thể Hội Thánh qua những cảm thức đa dạng về phụng vụ, nhưng cơ may đó đã bị khai thác để khoét rộng thêm những lỗ hổng, làm tăng thêm những phân cách, và ủng hộ những ý kiến bất đồng gây thương tổn cho Hội Thánh, ngăn đường cản lối Hội Thánh và đặt Hội Thánh trước mối nguy cơ ly tán.

Cùng lúc, tôi đau buồn vì những lạm dụng ở mọi góc cạnh của cử hành phụng vụ. Cùng chung tâm tình với Đức Bênêđictô XVI, tôi lấy làm tiếc trước thực trạng “tại nhiều nơi, các quy luật trong Sách Lễ mới không được tuân giữ khi cử hành Thánh lễ, nhưng lại bị diễn giải như một quyền lợi, thậm chí như một yêu cầu phải có sáng kiến, và điều này đã gây ra những biến dạng hầu như không chịu đựng nổi”[13]. Tuy nhiên điều làm tôi đau buồn nhất, đó là việc sử dụng Sách Lễ Rôma 1962 như một phương thế giải quyết vấn đề, lại thường mang tính cách bác bỏ, không chỉ cuộc cải tổ phụng vụ, mà cả chính Công đồng Vatican II, với những quyết đoán vô căn cứ và không vững chắc, cho rằng Công đồng phản bội Truyền thống và “Hội Thánh đích thực”. Phải nhìn lối đi của Hội Thánh trong tính cách năng động của Truyền thống “khởi nguồn từ các Tông đồ và tiếp nối trong Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (Dei Verbum 8). Từ sức năng động ấy, Công đồng Vatican II đã mở ra một giai đoạn mới, khi hàng giám mục công giáo cùng quy tụ để lắng nghe và phân định về lối đi do Chúa Thánh Thần chỉ dẫn cho Hội Thánh. Hoài nghi Công đồng là hoài nghi những ý hướng của chính các Nghị Phụ, những vị đã thực thi năng lực mang tính hợp đoàn của các ngài bằng một thể thức long trọng cum Petro et sub Petro trong một Công đồng đại kết[14], và, suy cho cùng, là hoài nghi chính Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Hội Thánh.

Mục tiêu của việc điều chỉnh sự cho phép mà các vị Tiền nhiệm của tôi đã làm, cũng được chính Công đồng Vatican II đặc biệt lưu ý. Dữ liệu về vota (phiếu chấp thuận) của các giám mục tham dự Công đồng, cho thấy sự nhấn mạnh đặc biệt đến việc toàn thể Dân Chúa phải tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực vào phụng vụ[15], đây cũng là ý hướng của Đức Piô XII trong Thông điệp Mediator Dei về việc canh tân phụng vụ[16]. Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã xác nhận lời mời gọi này, khi nỗ lực tìm cách “canh tân và thăng tiến phụng vụ”[17], đồng thời đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn cho việc cải tổ phụng vụ[18]. Đặc biệt, Công đồng xác định là những nguyên tắc này liên quan đến Nghi Lễ Rôma và có thể được áp dụng cho các nghi lễ hợp pháp khác, Công đồng cũng muốn “các nghi lễ phải được duyệt xét toàn bộ cách cẩn trọng theo tinh thần của Truyền thống tốt lành và tiếp nhận luồng sinh khí mới cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại”[19]. Công cuộc cải tổ phụng vụ đã được tiến hành theo những nguyên tắc ấy, đưa đến cách thức diễn đạt tốt nhất trong Sách Lễ Rôma, được công bố là editio typica bởi thánh Phaolô VI[20] và được hiệu đính bởi thánh Gioan-Phaolô II[21]. Vì thế, phải xác quyết rằng Nghi Lễ Rôma, qua các thế kỷ đã được thích nghi nhiều lần cho phù hợp với nhu cầu của thời đại, không chỉ được bảo toàn nhưng còn được canh tân “trong sự trung thành với Truyền thống”[22]. Bất cứ ai muốn sốt sắng cử hành theo những dạng thức phụng vụ trước đây đều có thể tìm gặp trong Sách Lễ Rôma đã được cải tổ theo Công đồng Vatican II tất cả những yếu tố của Nghi Lễ Rôma, nhất là Lễ Quy Rôma, một trong những yếu tố đặc trưng của Nghi Lễ này.

Lý do sau cùng để tôi có quyết định này, đó là hơn bao giờ hết, lời nói và hành động của nhiều người đã cho thấy rõ rệt là việc muốn cử hành theo các sách phụng vụ trước Công đồng Vatican II luôn gắn liền với thái độ chối bỏ Hội Thánh và các định chế của Hội Thánh nhân danh điều được gọi là “Hội Thánh đích thực”. Vấn đề ở đây chính là thái độ đối nghịch với sự thông hiệp và nuôi dưỡng khuynh hướng phân ly – “Tôi thuộc về Phaolô; còn tôi thuộc về Apollô; tôi thuộc về Kêpha; tôi thuộc về Đức Kitô” – Tông đồ Phaolô đã phản ứng gay gắt trước thái độ này[23]. Để bảo vệ sự hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô, tôi buộc lòng phải thu hồi năng quyền đã được các vị Tiền nhiệm của tôi ân ban. Cách sử dụng sai lệch năng quyền này đã đi ngược lại ý hướng dẫn đến việc cho phép tự do cử hành Thánh lễ với Sách Lễ Rôma 1962. Vì “các cử hành phụng vụ không phải là những hành động riêng tư, mà là cử hành của Hội Thánh vốn là bí tích của sự hợp nhất”[24], những cử hành đó phải được thực hiện trong sự thông hiệp với Hội Thánh. Khi tái xác định những ràng buộc ngoại tại của việc gia nhập Hội Thánh – lời tuyên xưng đức tin, các bí tích, sự thông hiệp – Công đồng Vatican II cũng khẳng định cùng với thánh Augustinô rằng, ở trong Hội Thánh không chỉ là “với thân xác” nhưng còn “với tâm hồn” là một điều kiện để được cứu rỗi[25].

Anh em giám mục thân mến, Sacrosanctum Concilium giải thích rằng, Hội Thánh là “bí tích của sự hợp nhất” vì đó là nơi “đoàn Dân thánh quy tụ và được hướng dẫn dưới quyền các giám mục”[26]Lumen Gentium, khi nhắc đến Giám mục Rôma là “nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất của các giám mục cũng như của đoàn tín hữu”, cũng đã xác quyết về anh em, các giám mục là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất nơi các Hội Thánh địa phương của anh em, trong đó và qua đó chỉ có một Hội Thánh Công Giáo duy nhất”[27].

Thuận theo đề nghị của anh em, tôi dứt khoát quyết định hủy bỏ tất cả các quy định, huấn thị, các điều đã được cho phép và cách thực hành trước khi có Tự sắc này, và tuyên bố các sách phụng vụ được ban hành do các Thánh giáo hoàng Phaolô VI và Gioan-Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách thể hiện duy nhất của lex orandi trong Nghi lễ Rôma. Trong quyết định này, tôi yên tâm vì thấy rằng, sau Công đồng Trentô, chính Thánh Piô V cũng đã hủy bỏ tất cả các nghi lễ không thể chứng minh được là có từ xa xưa, và ấn định một Sách Lễ Rôma duy nhất cho toàn thể Hội Thánh Latinh. Trong suốt bốn thế kỷ, Sách Lễ Rôma được Thánh Piô V ban hành là dạng thức diễn đạt chính của lex orandi trong Nghi Lễ Rôma, và đã thực thi chức năng bảo toàn sự hợp nhất trong Hội Thánh. Các giám mục trong công đồng đại kết chỉ muốn cải tổ chứ không chối bỏ giá trị tôn quý và cao cả của Nghi Lễ này; ý hướng của các ngài là muốn “các tín hữu tham dự mầu nhiệm đức tin, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng nhờ thấu hiểu mầu nhiệm qua các nghi thức và lời cầu nguyện, họ dự phần vào hành động thánh thiêng này cách ý thức, thành kính và tích cực”[28]. Thánh Phaolô VI, khi nhắc đến công cuộc thích nghi Sách Lễ Rôma do Đức Piô XII khởi xướng, đã tuyên bố là việc duyệt lại Sách Lễ Rôma, thực hiện trong ánh sáng của những nguồn tài liệu phụng vụ cổ đại, sẽ giúp cho Hội Thánh, bằng những ngôn ngữ khác biệt, dâng lên “chỉ một lời cầu nguyện như nhau” diễn tả tính cách duy nhất của Hội Thánh[29]. Tôi muốn tái lập tính duy nhất này trong toàn thể Hội Thánh theo Nghi Lễ Rôma.

Công đồng Vatican II, khi diễn tả tính cách công giáo của Dân Thiên Chúa, đã nhắc lại rằng “trong tình hiệp thông giáo hội, các Hội Thánh địa phương vẫn nắm giữ những truyền thống riêng, không làm phương hại quyền tối thượng của Ngai tòa Phêrô chủ trì cho tình hiệp thông phổ quát trong đức ái, bảo vệ sự dị biệt hợp pháp và cùng nhau làm cho sự cá biệt không chỉ không gây tổn hại cho sự hợp nhất nhưng trước tiên là phục vụ cho sự hợp nhất ấy”[30]. Đồng thời, khi thực thi tác vụ phục vụ sự hợp nhất, tôi quyết định đình chỉ năng quyền đã được ban do các vị Tiền nhiệm của tôi, tôi xin anh em chia sẻ với tôi gánh nặng này như một cách thức dự phần vào mối quan tâm của các giám mục đối với toàn thể Hội Thánh. Trong Tự sắc, tôi muốn khẳng định giám mục là người điều hành, cổ võ và bảo vệ đời sống phụng vụ nơi Hội thánh mà giám mục là nguyên lý của sự hợp nhất, nên giám mục có bổn phận đưa ra những quy định về các cử hành phụng vụ. Trong cương vị là Thường quyền địa phương, anh em có quyền cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma 1962, theo các quy định trong Tự sắc này. Anh em phải tìm cách thế để trở về với tình trạng chỉ có một dạng thức cử hành, và ấn định từng trường hợp về hoạt động của những nhóm muốn cử hành theo Sách Lễ Rôma ấy.

Các chỉ định về cách thực hiện trong giáo phận của anh em chủ yếu được nêu lên theo hai nguyên tắc: một đàng, nhắm đến ơn ích của những người đã gắn bó với những dạng thức cử hành trước đây cần có thời gian để trở về với Nghi Lễ Rôma do hai thánh Phaolô VI và Gioan-Phaolô II ban hành, đàng khác, ngưng việc thành lập những giáo xứ tòng nhân mới thường gắn liền với sở thích và mong muốn của cá nhân các linh mục hơn là với nhu cầu thực sự của “đoàn Dân thánh của Thiên Chúa”. Đồng thời, tôi cũng xin anh em cẩn trọng để bảo đảm là từng nghi lễ phụng vụ phải được cử hành cách trang nghiêm và theo đúng các sách phụng vụ được ban hành sau Công đồng Vatican II, tránh những kiểu cách lệch lạc dễ đưa đến lạm dụng. Các chủng sinh và các tân linh mục cần được đào tạo về thái độ trung thành tuân giữ các quy định của Sách Lễ và các sách phụng vụ, trong đó phản ánh cuộc cải tổ phụng vụ theo ý của Công đồng Vatican II.

Tôi khẩn cầu Thánh Thần của Đấng Phục sinh đến trên anh em, xin Người làm cho anh em được mạnh sức và kiên tâm phục vụ đoàn Dân Thiên Chúa đã được Đức Kitô trao phó cho anh em, để chính thái độ ân cần và cẩn trọng của anh em diễn tả tình hiệp thông ngay cả trong việc cùng có chung một Nghi Lễ duy nhất, một Nghi lễ bảo toàn được sự phong phú dồi dào của truyền thống phụng vụ Rôma. Tôi cầu nguyện cho anh em. Xin anh em cũng cầu nguyện cho tôi.

PHANXICÔ

Bản dịch của Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN

WHĐ (23.7.2021)

[1] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 23 AAS 57 (1965) 27

[2] X. Bộ Phụng Tự, Thư gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục “Quattuor abhinc annos”, 3.10.1984: AAS 76 (1984) 1088-1089.

[3] Gioan-Phaolô II, Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc “Ecclesia Dei”, 2.7.1988: AAS 80 (1998) 1495-1498.

[4] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 796.

[5] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 796.

[6] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 797.

[7] Bênêđictô XVI, Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum”, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 779.

[8] Bênêđictô XVI, Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum”, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 779.

[9] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 796.

[10] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 797.

[11] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 798.

[12] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 797-798.

[13] Bênêđictô XVI, Thư gửi các giám mục dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc “Summorum Pontificum” về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 796.

[14] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 23: AAS 57 (1965) 27.

[15] X. Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II apparando, Series I, Volumen II, 1960.

[16] Piô XII, Thông điệp về phụng vụ thánh “Mediator Dei”, 20.11.1947: AAS 39 (1949) 521-595.

[17] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 1, 14: AAS 56 (1964) 97.104.

[18] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 3: AAS 56 (1964) 98.

[19] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 4: AAS 56 (1964) 98

[20] Missale Romanum ex decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum, editio typica, 1970.

[21] Missale Romanum ex decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum Ioannis Pauli PP. II cura recognitum, editio typica altera, 1975; editio typica tertia, 2002; (reimpressio emendata 2008).

[22] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 3: AAS 56 (1964) 98.

[23] 1 Cr 1,12-13.

[24] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 26: AAS 56 (1964) 107.

[25] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 14: AAS 57 (1965) 19

[26] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 26: AAS 56 (1964) 100.

[27] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 23: AAS 57 (1965) 27.

[28] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 48: AAS 56 (1964) 113.

[29] Phaolô VI, Tông hiến “Missale Romanum” về Sách lễ Roma mới, 3.4.1969, AAS 61 (1969) 222.

[30] X. Công đồng Đại kết Vatican II, Hiến chế về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 13: AAS 57 (1965) 18.

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/

Check Also

ĐTC Phanxicô: Sự bình đẳng trong Chúa Kitô vượt qua những khác biệt giữa chúng ta

ĐTC Phanxicô: Sự bình đẳng trong Chúa Kitô vượt qua những khác biệt giữa chúng …