Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ / Sống Đạo / ĐỨC BÀ NHƯ LẦU ĐÀI ĐA-VÍT VẬY

ĐỨC BÀ NHƯ LẦU ĐÀI ĐA-VÍT VẬY

Dc 4, 4: Migdal David (turris davidica)
7,4: Migdal hassen (Turris eburnea, Tháp ngà);

Sở dĩ tôi đề cập câu chuyện này là vì cách đây mấy tháng có một nhà Dòng Nữ toàn người Việt, nhưng ở nước ngoài, xin tôi làm “trọng tài” vì trong cộng đoàn có cuộc tranh luận và luộm thuộm khi đọc Kinh Cầu, vì một chữ trong kinh cầu Đức Bà: cộng đoàn vẫn đọc Đức Bà như lầu đài Đa-vit vậy – nhưng có một chị từ Việt Nam mới qua sống trong cộng đoàn bảo rằng phải đọc… lâu đài Đa-vit mới đúng, vì nhà dòng của chị ở Việt Nam vẫn đọc như vậy, đó là bản của Hội Đồng giám mục Việt Nam, và chị này nhất định một mình một phe khi đọc kinh cầu…

Tôi trả lời rằng trước hết, bản kinh cầu Đức Bà hiện có trong sách kinh đọc hàng ngày là bản do ủy ban sửa kinh làm năm 1924, có các nhân vật thông thạo Hán và Nôm thời ấy tham gia. Còn từ khi có Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam (1960), rồi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (họp lần đầu năm 1980), theo như tôi biết thì chưa hề đặt vấn đề duyệt lại các kinh quen đọc, vì từ sau Công Đồng Vaticano II tới nay, hơn năm mươi năm rồi Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn còn đang làm việc với bản dịch sách lễ Rô-ma và sách bài đọc thánh lễ, nên chưa có thời giờ hay đầu óc nào để nghĩ tới các kinh quen đọc hàng ngày. Vì vậy nói đó là bản của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là chưa đúng. Các bản in xưa nay trong các giáo phận ở Việt Nam, và trên trang điện tử đều ghi: Đức Bà như lầu đài Đa-vit vậy.

Nhân đây, để giúp mọi người hiểu rõ hơn về Kinh Cầu, tôi sẽ lần lượt trình bày:

  1. Nguồn gốc Kinh Cầu
  2. Nguồn gốc Kinh cầu Đức Bà bằng tiếng La-tinh và bản dịch Hán (kinh cầu chữ), Việt.
  3. Vị trí câu này trong cấu trúc của Kinh Cầu Đức Bà và ý nghĩa
  4. Nguồn gốc và ý nghĩa câu “Đức Bà như lầu đài Đa-vít vậy”
  5. NGUỒN GỐC KINH CẦU

Trong phụng vụ phương Đông có hình thức cầu nguyện “kêu cầu” với những câu do phó tế xướng (kêu) và cộng đoàn đáp (cầu), tiếng Hy lạp gọi là litaneia, tiếng La-tinh litania [mượn của tiếng Hy lạp]. Câu đáp thông thường là kyrie eleison: xin Chúa thương xót chúng con. – tương tự: xin Chúa nghe cho chúng con – xin Chúa nhậm lời chúng con.

Đức Thánh Cha Giê-la-si-ô I (492-496) đưa hình thức ‘KÊU – CẦU” này vào phụng vụ phương Tây, vết tích còn lại trong thánh lễ hiện nay ở phần thống hối: linh mục xướng và cộng đoàn đáp “Xin Chúa thương xót chúng con, Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con, Xin Chúa thương xót chúng con”; và “Lạy Chiên Thiên Chúa

Bên phương Tây, hình thức kinh cầu trở nên phổ thông trong các cuộc rước “cầu mùa”, cộng đoàn đi rước và cầu xin theo cách xướng đáp. Hình thức cầu nguyện cộng đoàn này được cổ võ thêm nhờ những kinh cầu được Hội Thánh phê chuẩn: kinh cầu các thánh, Kinh cầu Đức Bà; kinh cầu Thánh Danh Chúa Giê-su (1886); kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su (1899); kinh cầu thánh Giu-se (1906) và kinh cầu Máu Châu Báu Chúa Giê-su (1960). Ở Việt Nam còn có “Kinh cầu Chúa chịu nạn”, gồm những câu tóm tắt các bài Phúc Âm về cuộc khổ nạn, để giúp tín hữu suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa trong Tuần Thánh.

  1. NGUỒN GỐC KINH CẦU ĐỨC BÀ quen đọc.

Kinh cầu Đức Bà quen đọc có tên gọi là Kinh Cầu Đức Bà Lô-rét-tô, vì là kinh cầu quen đọc ở Lô-rét-tô, – một nơi hành hương nổi tiếng ở nước Ý – ít là từ năm 1531 và được ĐTC Xích-tô Thứ Năm phê chuẩn năm 1587. Tuy trong các sách giúp sùng kính Đức Mẹ Maria có nhiều mẫu kinh cầu Đức Bà khác, nhưng kinh cầu Đức Bà Lô-rét-tô là bản duy nhất được Hội Thánh phê chuẩn để dùng chung. Bản được phổ biến khắp trong Hội Thánh là bản tiếng La-tinh.

Qua dòng thời gian các Đức Thánh Cha đã thêm vào một số câu:

1675: Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi (cho Hội Mân Côi)

1883: Nữ Vương vô nhiễm nguyên tội (Đức Lê-ô thứ Mười Ba, cho toàn thể Hội Thánh)

1903: Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành (Đức Lê-ô thứ Mười Ba)

1917: Nữ vương Ban sự bình an (Đức Bê-nê-đi-tô thứ Mười Lăm)

1950: Nữ vương Hồn xác lên trời (Đức Pi-ô thứ Mười Hai)

1980: Đức Bà là Mẹ Hội Thánh (Đức Gio-an Phao-lô thứ Hai), và Nữ vương các gia đình (Đức Gio-an Phao-lô thứ Hai)

Bản dịch chữ Hán và bản dịch tiếng Việt

Khi còn bé tôi vẫn nghe đọc “Kinh cầu chữ” [tức là kinh cầu Đức Bà bằng chữ Hán] trong các buổi đọc kinh giỗ trong gia đình, cùng với kinh “Phục Rĩ chí tôn” [bản tiếng Việt là Lạy ơn Thiên Chúa Cao Sang]. Tôi sinh ở Miền Bắc nên chỉ biết ở miền Bắc – “Kinh cầu chữ” là bản dịch kinh cầu Đức Bà mà Giáo Hội ở Trung Hoa vẫn dùng cho tới nay. Tôi không có tài liệu để tìm xem bản dịch chữ Hán có từ bao giờ, ai đã truyền sang Việt Nam, từ khi nào.

Bản dịch tiếng Việt thì tôi cũng không có tài liệu để xem có từ bao giờ. Chắc chắn là năm 1924, công việc “sửa kinh” do các bậc thầy về chữ Hán và chữ Nôm trong Hội Thánh ở Việt Nam thời đó thực hiện, đã hoàn chỉnh bản dịch tiếng Việt quen đọc hiện nay.

  1. VỊ TRÍ CÂU “ĐỨC BÀ NHƯ LẦU ĐÀI ĐA-VÍT VẬY”

Nếu đọc kinh cầu với tất cả những câu các Đức Thánh Cha đã thêm vào như kể trên, ta nhận ra:

ba câu mở đầu cao rao sự thánh thiện cao cả của Đức Bà

mười hai câu ca tụng Đức Bà trong tư cách Thánh Mẫu

sáu câu ca tụng Đức Bà trong tư cách Trinh Nữ

Mười ba câu dùng những biểu tượng, chủ yếu từ trong Cựu Ước, để ca tụng các nhân đức và vai trò của Đức Bà trong lịch sử Cứu Độ.

Trong chuỗi Mười Ba biểu tượng này có hai biểu tượng “cây tháp”: dịch sát tiếng La-tinh: cây tháp bằng ngà và cây tháp của Đa-vít.

Bản chữ Hán:                                    Bản tiếng Việt

Tượng nha bảo tháp    象牙宝塔: Đức Bà như tháp ngà báu vậy

Đa-vít địch lâu              达味敌楼:  Đức Bà như lầu đài Đa-vít vậy

[Nên chú ý cách dịch vừa sát vừa thoáng, tận dụng khả năng phong phú của ngôn ngữ Trung Hoa và Việt Nam, vừa tăng phần trang trọng lại chú ý tới âm điệu theo văn hóa và chất âm nhạc của tiếng Hoa và tiếng Việt để dễ đoc chung lớn tiếng.]

Tiếng La-tinh nói vắn tắt, nhưng là để so sánh chứ không phải đồng hóa Đức Bà với cây tháp ngà hay cây tháp của Đa-vít.

Trong khi tiếng La-tinh lặp lại hai lần chữ TURRIS, thì chữ Hán dùng hai từ THÁP và LÂU, nhưng thêm BẢO tháp, và ĐỊCH lâu, vẫn giữ ý nghĩa là “tháp”. Địch quân địch, nghĩa là tháp cao trong thành để canh và theo dõi động thái của kẻ thù ở bên ngoài.

Bản dịch tiếng Việt dựa theo cách dịch của chữ hán, nhưng lại thích ứng với tiếng Việt: NHƯ THÁP NGÀ BÁU vậy và NHƯ LẦU ĐÀI ĐA-VÍT vậy [1]. Tiếng Việt không thể nói đơn giản như tiếng La-tinh: “Tháp ngà” “Tháp Đa-vít’; cũng không thể nói “Đức Bà là cây tháp bằng ngà” hay “là tháp ngà”; “… là cây tháp Đa-vít”, “là cây tháp của Đa-vít”…)

Bản tiếng Việt dùng chữ “lầu đài” để diễn tả “tháp”. Từ đôi này là tiếng Việt, ta thường dùng một nửa: lầu Năm Góc, lầu chuông (tiếng miền Nam) – tháp chuông, gác chuông (tiếng miền Bắc); “nhà lầu” đối với “nhà trệt”; “lên lầu” có hai nghĩa: xây thêm một lầu trên căn nhà; hoặc “đi lên lầu”; yếu tố chung là “cao hơn”. “Đài Đức Mẹ”, “Đài liệt sĩ”, “Đài kỷ niệm” … có yếu tố chung là công trình kiến trúc đặc biệt, xây cao và tách riêng ra khỏi các kiến trúc chung quanh để dễ thấy…

Trong các kiến trúc xưa, tháp không dùng để ở, mà dùng vào nhiều việc khác, vì nó được xây cao lên: tháp canh, tháp chuông, tháp để ngoạn cảnh… Tháp Luân Đôn dùng làm nhà tù kiên cố. Các lâu đài xưa cũng thường có tháp dùng làm nhà tù. Trong kiến trúc hiện đại, thì người ta nói đến Tháp Đôi [twin-tower] nổi tiếng vì là kỷ niệm  bi đát của Hoa Kỳ, Tháp Trump [Trump Tower] trong thời sự nước Mỹ với tổng thống Trump. Ý nghĩa này nằm ngoài câu chuyện về Kinh Cầu.

  1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA câu ĐỨC BÀ NHƯ LẦU ĐÀI ĐA-VÍT vậy

Trong Cựu Ước thì “Tháp” thường có chức năng quân sự: kiến trúc kiên cố, vươn cao để canh phòng và bảo vệ… như thánh vịnh 47/48: “Hãy đi vòng Xi-on, dọc theo tường lũy, đếm tháp canh xem được bao nhiêu”.

Ngoài ra còn thấy tháp canh vườn nho (x. Is 5, 2)

“Tháp” trở thành hình ảnh để ví Thiên Chúa là Đấng bảo đảm sự an toàn cho ta: Tv 60/61, 3; Cn 18, 10.

Bản văn đầu tiên trong sách Sáng Thế nói đến “tháp” là 11:4: sau khi phát minh ra gạch để xây dựng thay vì đá [con cháu ông Nô-ê] bảo nhau: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời”.

Chỉ có sách Diễm Ca nói đến “Tháp ngà” và “Tháp của Đa-vít” trong hai mạch văn ca tụng vẻ đẹp nơi cái “cổ” của “Nàng”: “Cổ em giống như tháp bằng ngà” (7,4); “Cổ em như tháp của Đa-vít” (4,4).

Hai hình ảnh này chỉ thấy trong sách Diễm Ca, nên ta chẳng thể nói gì hơn là nhận rằng đây là hai hình ảnh có tính “ước lệ”. Hình ảnh tháp ngà ghép màu trắng đặc biệt của ngà voi [2]với hình dáng cao thon thả của một ngọn tháp! Diễn tả vẻ đẹp.

Hình ảnh tháp của Đa-vít thì chính bản văn Diễm Ca quảng diễn thêm: “được xây lên để chứa vũ khí, hàng ngàn chiếc khiên được treo lên ở đó, tất cả những chiếc mộc của các dũng sĩ”. Như vậy hình ảnh này gợi tính cách quen thuộc của tháp là nơi kiên cố, dự trữ sức mạnh và khí giới để bảo vệ thành trì [3], và là kiến trúc vươn cao để quan sát tình hình bên ngoài tường thành khi bị quân thù bao vây. Tuy Cựu Ước không nói rằng vua Đa-vít có xây tháp, nhưng danh xưng thành vua Đa-vít quen dùng để nói về thành Xi-on hay Giê-ru-sa-lem là thành kiên cố khiến quân thù “mới thấy thành đã sững sờ kinh ngạc, quá hãi hùng bỏ chạy thoát thân.” (Tv 47/48, 6)

Kinh cầu đặt hai hình ảnh này kề nhau trong một chuỗi 13 biểu tượng để ca tụng vẻ đẹp và vai trò của Đức Bà Maria trong lịch sử cứu độ. Lời kinh mời chúng ta yêu mến và tin tưởng ở sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, vì Người rất xinh và đẹp lòng Thiên Chúa nên Người có thể cầu bầu cho chúng ta cách hữu hiệu.

Kết luận

Kinh cầu Đức Bà là một bản kinh các tín hữu khắp nơi đều sử dụng. Nó giúp người ta chiêm ngắm Đức Trinh nữ Maria như một tấm gương phản chiếu lịch sử ơn cứu độ: nơi Người “Thiên Chúa đã làm những việc kỳ diệu” để biểu lộ lòng thương xót và quyền năng cứu độ. Kinh Cầu Đức Bà giúp Chiêm ngắm những gì Thiên Chúa đã trang điểm Đức Trinh Nữ Maria để đặt Người làm Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, và làm Mẹ của tất cả những ai được tái sinh bởi máu và nước từ cạnh sườn Chúa Cứu Thế chảy ra trên thập giá. Nhờ chiêm ngắm Đức Mẹ theo các lời trong Kinh Cầu gợi lên, chúng ta được thêm lòng tin tưởng vào Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa, thêm hiểu biết, yêu mến và tin tưởng chạy đến ẩn náu dưới bóng của Mẹ.

Kinh cầu Đức Bà đã cô đọng và tích lũy truyền thống của toàn thể Hội Thánh về lòng sùng kính Đức Mẹ mà chúng ta nhận được trong kho tàng thánh thiêng của Hội Thánh. Bản La-tinh có trước chúng ta năm thế kỷ, bản dịch chữ Hán và bản dịch tiếng Việt cũng có trước chúng ta cả thế kỷ rồi, chúng ta hãy trân trọng giữ gìn nguyên vẹn cho con cháu; đọc cho đúng, hiểu cho đúng và giúp người khác hiểu cho đúng, để mọi người tín hữu Việt Nam hòa nhập vào dòng truyền thống tôn sùng Đức Mẹ của toàn thể Hội Thánh và luôn sống động mạnh mẽ trong lòng mọi tín hữu Việt Nam.

Tôi được phục vụ Hội Thánh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam trong sứ vụ linh mục, tới nay đã tròn 50 năm. Tôi xin phép gởi lời trăng trối này cho các linh mục thuộc lứa tuổi con cháu: ước gì các linh mục là những người có trách nhiệm giảng dạy biết nhận trách nhiệm của mình, tìm hiểu ngọn nguồn mọi điều phải giảng dạy trước khi giảng bằng lời nói hay chữ viết. Tín hữu Việt Nam còn tin tưởng các cha lắm, xin hãy trân trọng lòng tin tưởng này bằng cả đời sống và mọi lời giảng dạy của mình.

Ước gì được như vậy để thân già này nhắm mắt ra đi bình an như Cụ Si-mê-ôn. Amen.

Giê-ru-sa-lem, 12/3/2020
 Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, dòng Tên
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

______________

[1] Các bản in chính thức Sách Kinh trong các giáo phận Việt Nam xưa nay, và trang điện tử đều ghi LẦU ĐÀI.

[2] Trong văn chương Việt Nam, chúng ta cũng quen với hình ảnh ước lệ này: trong như ngọc, trắng như ngà – tấm thân ngọc ngà.

[3] Trong các trình thuật về vua Đa-vít thì chỉ nói tới đền vua, ngôi nhà bằng gỗ bá hương (2S 7,2) và sân thượng của đền vua (2S 11, 2), nơi vua đứng ngắm người đẹp Bet-Sa-bê tắm trên một sân thượng khác… không nói đến lâu đài, cũng không nói đến kho vũ khí nào cả. Salomon sẽ dành 13 năm để xây cung điện của vua, không thấy kể chi tiết, và 7 năm để xây Đền Thờ. Trình thuật về công trình xây Đền Thờ kể nhiều chi tiết, đặc biệt “Cung Rừng Li-băng”. 200 năm sau, đời vua Khí-ki-gia. Vua này đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi cho sứ giả của vua Ba-bi-lon coi cả kho vũ khí của mình. Ngôn sứ I-sai-a quở trách và cho biết hậu quả tai hại sẽ xảy ra (2V 20, 12-19; Is 39,1-8). Khi nguy cơ xâm lược đến gần, ngôn sứ I-sai-a sẽ khiển trách Giê-ru-sa-lem: “Ngày ấy các ngươi đã nhìn vào kho vũ khí trong Cung Rừngcác ngươi thấy thành Đa-vít có nhiều lỗ hổng… nhưng Đấng tác tạo cả thành đô, các ngươi lại không nhìn” (22, 8-10).

Check Also

3 THÓI QUEN CỦA CÁC THÁNH ĐỂ CHÚNG TA NOI THEO

3 THÓI QUEN CỦA CÁC THÁNH ĐỂ CHÚNG TA NOI THEO Tác giả: Theresa Civantos …